Kể chuyện dân phố kỳ công săn thịt lợn sạch
Lo ngại lợn nuôi bằng chất kích thích tăng trọng, rồi bị bơm nước để tăng trọng lượng hay thịt bẩn, ôi thiu được tẩm hóa chất… khiến cho người thành phố tìm đủ cách để săn lợn thịt lợn sạch. Rất nhiều người đã kỳ công lên núi, về quê để có thịt cho bữa ăn.
Lên núi săn lợn sạch
Sau hơn một năm mở cửa hàng bán thực phẩm sạch trên mạng, khách hàng ngày càng đông trong khi nguồn hàng của người quen cung cấp không phải lúc nào cũng có sẵn. Để có nguồn hàng ổn định, chị Nguyễn Thị Huyền chủ một cửa hàng bán thực phẩm sạch tại khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) đã phải lên miền núi để săn tìm nguồn cung hàng.
Chị Huyền cho biết, lúc mới đầu mở cửa hàng bán thực phẩm sạch, khách ít nên lượng hàng bán ra như thịt lợn đen, gà đồi, trứng, rau sạch... chỉ cần lấy ở quê là đủ. Tuy nhiên, càng về sau khách càng đông, hàng từ quê gửi xuống Hà Nội bao nhiêu hết bấy nhiêu mà những loại thực phẩm này nuôi cả nửa năm mới được bán.
"Đầu năm tôi đã phải về vùng Hòa Bình, lần mò vào tận vùng dân tộc tìm nguồn hàng. Ở đây, dân tự nuôi gà lợn không phải là hiếm mà cũng đảm bảo sạch, dân nuôi không dùng cám tăng trọng", chị Huyền nói.
Không chỉ vậy, để có hàng bán đều đặn, chị Nghiêm Thị Xuân đầu mối chuyên cung cấp thịt lợn sạch cho một số mối ở Hà Nội còn chia sẻ rằng chị không chỉ săn tìm thịt lợn sạch tại các vùng lân cận Hà Nội mà hiện tại chị còn phải lên tận vùng Lào Cai săn lợn sạch về bán.
Chị cho hay, mới đầu hàng dễ kiếm không phải đi xa, thường chỉ phải đi khoảng 100 cây số đổ lại nhưng gần nửa năm nay chị phải mày mò tìm đường lên tận huyện Si Ma Cai (Lào Cai) để mua hàng đổ mối ở dưới Hà Nội.
"Đường xa, lặn lội cả mấy trăm cây số, phải lần mò vào bản tìm tới nhà dân để mua từng con lợn một. Nhiều khi để chắc ăn tôi còn phải đặt hàng trước. Cứ tìm thấy nhà nào có nuôi lợn nhưng phải đảm bảo sạch, chỉ có ăn cám ngô, cám sắn mới mua. Lợn nhà đó mà chưa tới lứa bán thì cắm tiền đặt cọc sẵn, lúc nào bán tôi quay lại mua cho chắc".
Chị Xuân còn cho biết thêm, dân bản ở đây nuôi lợn rừng ít, chủ yếu là lợn đen. Tìm mua lợn đen thì dễ hơn nhưng nhiều khi có khách đặt hàng lợn rừng với số lượng vài ba con chị phải vào bản cả ngày trời có khi mới tìm đủ được số lợn cần mua. Tuy nhiên, chị cũng chia sẻ rằng tuy vất vả, xa xôi nhưng đổi lại giá lợn mua ở đây thì rẻ hơn nhiều giá lợn sạch mua ở những vùng khác gần Hà Nội.
Nông dân chuyển qua nuôi lợn rừng
Thấy nhu cầu tiêu thụ của các loại thực phẩm sạch ngày càng cao, không ít nông dân đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi sang con đặc sản.
Anh Đào Văn Bằng ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) hiện là chủ một trại lợn rừng với số lượng trên 100 con đang đem lại nguồn thu nhập tương đối lớn và ổn định hơn so với hồi nuôi gà công nghiệp.
Nuôi gà thất bát, không tìm được đầu ra trong khi nhà có vài con lợn rừng nuôi thêm thả ngoài vườn thì lại thấy nhiều người đến hỏi mua, giá lợn rừng xuất chuồng cao gấp mấy lần lợn trắng nuôi cám công nghiệp. Thấy vậy tôi mạnh dạn chuyển dần sang nuôi lợn rừng, nhờ người mua giống ở Vũng Tàu sau đó về tự gây giống cho sinh sản, lợn con nuôi lớn lên rồi bán lợn thương phẩm.
Anh Bằng cho biết, lợn rừng nuôi chỉ cho ăn rau, cám bình thường chứ không dùng thức ăn công nghiệp, thời gian để được xuất bán mỗi lứa vào khoảng 6 tháng, gấp đôi thời gian nuôi lợn trắng. Đặc biệt, loại lợn này yêu cầu cần phải có chuồng trại sân vườn rộng. "Hiện tại tôi đang nuôi trên 100 con lợn rừng, mỗi con đến khi xuất bán đạt khoảng trên dưới 25 kg lợn hơi".
Theo lời anh Bằng, nuôi lợn rừng hay hơn nuôi những con khác là bởi thị trường tiêu thụ ngày càng rộng, đôi khi không có đủ hàng để bán. Lợn luôn được các nhà hàng đặt trước, không lo tìm nơi để tiêu thụ như gà. Giá lợn rừng lúc nào cũng cao ngất ngưởng. Thời kỳ rẻ nhất giá cũng phải 200.000 đồng/kg, lúc đắt nhất vào khoảng 280.000 đồng/kg lợn hơi.
"Từ lần chuyển sang nuôi lợn rừng với số lượng lớn như hiện tại, gia đình tôi thu nhập khá hơn và ổn định hơn nuôi gà rất nhiều. Hiện không còn chịu cảnh thua lỗ như nuôi gà bởi cứ mỗi con lợn rừng xuất chuồng tôi thu lãi một nửa, tức mỗi kg lợn hơi tôi lãi trên 100.000 đồng", anh Bằng tiết lộ.
Nhiều người nông dân ở nơi khác như Phú Thọ, Tuyên Quang thấy vậy cũng xuống đây học cách nuôi và đang phát triển đàn lợn rừng của mình - anh cho hay.
Theo Bảo Hân
VEF