IPO “ông lớn” BSR: Lo khó “hút” nhà đầu tư nếu quyết thu điều tiết lọc dầu Dung Quất
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Ngãi vừa kiến nghị Chính phủ không thực hiện khoản thu điều tiết 7% đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất và sớm phê duyệt mở rộng dự án này. Lãnh đạo tỉnh này lo ngại sẽ khó thu hút nhà đầu tư và kế hoạch IPO của BSR có khả năng không thể thực hiện được nếu thực hiện việc thu điều tiết…
UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây có văn bản gửi Chính phủ đề cập tới khó khăn và kiến nghị giải pháp tháo gỡ cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, được vận hành bởi Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Văn bản này nêu rõ sau 10 năm khởi công, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có nhưng đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể, năm 2016, BSR đóng góp 90% tổng thu ngân sách hằng năm của Quảng Ngãi (hơn 22.650 tỷ đồng), đồng thời 65% nhân viên nhà máy là người địa phương, để nhấn mạnh tầm quan trọng của BSR với tỉnh.
Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh này cho rằng năm 2018 tình hình thị tường có nhiều bất lợi, bao gồm tình hình cung cầu sản phẩm dầu mỏ trên thị trường cũng như các quy định mới của Chính phủ sẽ được áp dụng từ năm 2018.
Vì vậy, lợi nhuận của Công ty BSR từ năm 2018 trở đi sẽ giảm rất nhiều. Do đó, nếu Chính phủ đồng ý thu điều tiết như đề xuất của Bộ Tài chính thì tình hình sản xuất xuất kinh doanh của BSR sẽ cực kỳ khó khăn, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án.
Cụ thể nếu áp dụng cơ chế thu điều tiết 7% từ 2018 – 2022 chưa tính đến yếu tố thị trường nêu trên thì kết quả sản xuất kinh doanh các năm đến sẽ lỗ từ 700-3.800 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, khoản thu điều tiết thực chất là khoản thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất nội địa, do đó sẽ tạo mất bình đẳng về chính sách và mất cạnh tranh tại ngay thị trường nội địa.
Trong khi đó, với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Chính phủ đã cam kết cho hưởng ưu đãi 3-5-7 (tức 3% đối với hóa dầu, 5% LPG và 7% xăng, dầu) trong vòng 10 năm.
Trước tình trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lo ngại sẽ không thu hút nhà đầu tư và kế hoạch IPO của BSR có khả năng không thể thực hiện được. Đồng thời, với kết quả này sẽ không đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng cho các cổ đông chiến lược khi BSR tiếp tục bán cổ phần trong thời hạn 12 tháng kể từ khi phương án cổ phần hoá được Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Quyết định số 1725 đã giúp cho sản phẩm xăng, dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh ngang bằng với hàng nhập khẩu. Chính sách này đã được BSR thông báo với các nhà đầu tư trong các đợt tiếp xúc chiến lược, do vậy việc thay đổi ngược lại trong thời gian ngắn về cơ chế thu điều tiết sẽ khiến cho nhà đầu tư đánh giá cơ chế chính sách của Nhà nước đối với BSR là không ổn định, gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra vấn đề này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà mát. Việc thu xếp vốn đang rất khó khăn, nếu Chính phủ thực hiện kiến nghị trên sẽ khiến cho dòng tiền của BSR mất cân đối, điều này khiến cho việc thu xếp vốn cho dự án là không thể thực hiện.
Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị đề xuất Chính phủ không thu điều tiết. Đồng thời xem xét sớm phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và cấp Thư bảo lãnh Chính phủ đối với phần vốn vay dự án này.
Trong khi đó, theo thông tin từ lãnh đạo BSR, phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến diễn ra vào 17/1/2018 với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần.
Theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn dầu khí Việt Nam sẽ nắm giữ 1,3 tỉ cổ phần, chiếm 43% vốn điều lệ của BSR. Số lượng cổ phần ưu đãi bán cho người lao động trong doanh nghiệp là 6 triệu cổ phần, chiếm 0,21%. Sẽ có 241,5 triệu cổ phần được bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ. Trong khi đó 1,51 tỷ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ của BSR.
Nguyễn Khánh