Lọc dầu Dung Quất lãi khủng trước thềm IPO
Tính đến nửa đầu năm 2017, Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt lợi nhuận tương đương 85% cả năm 2016, chuẩn bị IPO vào đầu năm sau.
Nửa đầu năm 2017, BSR đạt 3.832 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, chuẩn bị IPO vào tháng 1/2018.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, BSR đạt doanh thu 38.652 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cũng đạt 3.832 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 266% so với nửa đầu năm 2016.
Trước đó, doanh thu năm 2016 của công ty này là 75.184 tỷ đồng, giảm gần 21.000 tỷ đồng so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 5.007 tỷ đồng, cũng ít hơn năm 2015 1.365 tỷ đồng.
Theo lý giải của ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc BSR, lợi nhuận năm 2016 của công ty này sụt giảm là do giá dầu giảm.
Bên cạnh đó, cơ chế thu điều tiết theo Quyết định số 952/QĐ-TTg không còn phù hợp làm cho giá bán sản phẩm Dung Quất cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu và làm cho công ty gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Do đó làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh so với năm 2015.
Năm 2017, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công ty được tự quyết định giá bán, do đó giá bán sản phẩm của Dung Quất có tính linh hoạt hơn.
Điều này làm cho sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh hơn so với trước đây và làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2017.
Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, việc cổ phần hóa công ty sẽ được thực hiện vào tháng 1/2018.
Về vấn đề này, ông Nguyên cho biết có hai tập đoàn nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực lọc hóa dầu muốn mua cổ phần của BSR là Tập đoàn World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).
Theo đó, trả lời ông John Webster, Chủ tịch Tập đoàn Macron Petro Petroleum, đại diện BSR cho biết, công ty này muốn tham gia với tỷ lệ 10-40% cổ phần tại BSR.
Riêng World Petro, công ty hóa dầu quốc tế hoạt động tại Anh, Mỹ, Nam Mỹ và Singapore kỳ vọng sẽ được sở hữu 49% cổ phần của BSR.
Đối với các Tập đoàn trong nước, Petrolimex cũng có ý định mua cổ phần của BSR sau khi hai bên ký các thỏa thận hợp tác. Tập đoàn này đang chiếm hơn 40% trong số 21 đơn vị tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy.
“Hiện chúng tôi vẫn cân nhắc, chứ chưa chọn ra đối tác chiến lược chính thức”, ông Nguyên cho biết.
Những cải thiện gần đây về hiệu quả hoạt động, công tác quản trị, quản lý chi phí và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, triệt để tiết kiệm, tối ưu hóa công tác vận hành của nhà máy lọc dầu Dung Quất đang là những yếu tố tích cực cho đợt IPO này.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, giá trị doanh nghiệp của BSR cuối năm 2015 là 72.879 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.
Hồng Vân