1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

iMoney: Lưu ý nếu phải sử dụng đòn bẩy tài chính khi đầu tư

Thảo Thu

(Dân trí) - Dùng đòn bẩy tài chính trong đầu tư có thể giúp tốc độ phát triển tài sản tăng nhanh hơn nhưng cũng có thể làm tài chính xấu hơn nên chỉ sử dụng khi thật sự phù hợp.

Đòn bẩy tài chính được hiểu là sử dụng nguồn lực từ bên ngoài để gia tăng nguồn lực của bản thân. Trên hành trình đạt được mục tiêu tài chính của mỗi người, đôi khi sẽ phải sử dụng đòn bẩy tài chính. Đây là công cụ có thể giúp các nhà đầu tư tăng nhanh số tiền kiếm được và rút ngắn thời gian đạt các mục tiêu tài chính.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng là con dao hai lưỡi. Bên cạnh những lợi ích, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nhiều trường hợp lạm dụng chiến lược này, dẫn đến nợ nần, thậm chí là phá sản…

Vậy làm sao để sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp và tận dụng tối ưu lợi ích mà phương pháp này mang lại. Theo ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân của FIDT, có 3 lưu ý quan trọng nhà đầu tư cần quan tâm:

1. Chi phí cho việc sử dụng đòn bẩy phải thấp hơn lợi nhuận dự kiến

Ví dụ, trong đầu tư bất động sản, tôi thường khuyến nghị khách hàng chọn vay khi có mức lãi suất khoảng 9% cho phần lớn thời gian vay. Nguyên nhân do tỷ lệ tăng trưởng của bất động sản có thể đột biến trong vài thời điểm nhưng nếu nhìn dài hạn, cũng chỉ quanh mức 10-15% là tối đa nên việc vay với lãi suất lên tới 13-15% như hiện nay chỉ giống như đang góp gạo "nuôi" ngân hàng mà không thể tối ưu được dòng vốn vay.

Sử dụng đòn bẩy trong đầu tư chỉ hiệu quả khi giá trị đầu tư đang tăng lên. Tuy nhiên, nếu giá trị giảm sút, lợi thế do đòn bẩy mang lại sẽ biến mất khi các khoản thanh toán tiền vay gia tăng. Thực tế này cho thấy nhà đầu tư phải cân nhắc cẩn trọng trước khi quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính.

iMoney: Lưu ý nếu phải sử dụng đòn bẩy tài chính khi đầu tư - 1

Chỉ vay khi đã có kinh nghiệm đầu tư, luôn dự trù khoản trả nợ, quỹ dự phòng... là cách tránh rủi ro tăng lãi suất khi vay đầu tư (Ảnh: Mạnh Quân).

2. Tận dụng tối đa các thời điểm vàng của lãi suất

Trong chu kỳ kinh tế khoảng 5-7 năm, sẽ luôn có những thời điểm lãi suất đạt mức "đáy" tương ứng theo các chính sách từng thời kỳ của Chính phủ để điều tiết thị trường. Ví dụ, năm 2021, khi chúng ta thực hiện nới lỏng tiền tệ, có một số ngân hàng nước ngoài có mức lãi suất quanh 7,5% cố định trong 3-5 năm, đó là mức chúng ta sẽ phải tận dụng ngay để đầu tư dài hạn.

3. Luôn có phương án dự phòng rủi ro trước khi vay

Giả sử trong thời gian bạn vay, nguồn thu nhập của bạn bị giảm đáng kể và có thể kéo dài trong một khoản thời gian nhất định.

Khi có, nhà đầu tư cần thực hiện 4 bước sau:

• Sử dụng quỹ dự phòng (nếu có)

• Tìm đến các nguồn tín dụng "yêu thương" (cha mẹ, người thân, bạn bè) và gia hạn thời gian trả nợ

• Tìm cách tái cơ cấu khoản nợ: Nhà đầu tư sẽ phải tổ chức lại toàn bộ phần nợ từ đầu. Việc tái cấu trúc nợ thường được sử dụng như một công cụ tài chính, tuy nhiên không phải nhà đầu tư cá nhân nào cũng có kinh nghiệm. Việc tái cơ cấu các khoản nợ nên có thêm tư vấn từ các chuyên gia tài chính.

• Bán tài sản để xử lý nợ nếu việc mất thu nhập có khả năng sẽ còn kéo dài và không có kế hoạch nào để thay thế toàn bộ/một phần trong ngắn hạn

Ngoài ra, còn một số điểm lưu ý để tránh sai lầm khi đầu tư bằng vốn vay, nhà đầu tư có thể lưu ý như chỉ nên vay khi có kinh nghiệm và kiến thức về đầu tư nhất định để biết vay phân khúc ngân hàng nào thì lãi rẻ, vay phân khúc ngân hàng nào thì lãi sẽ luôn cao. Mức độ vay phù hợp cho từng loại hình tài sản khác nhau, có tài sản có thể vay đến 70% giá trị nhưng cũng có những loại chỉ nên vay 30% để hạn chế rủi ro...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm