1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

IMF: Việt Nam cần chú ý đến kiềm chế lạm phát

(Dân trí) - Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Citigroup, việc hạ giá tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải đi kèm với biện pháp kiềm chế lạm phát.

IMF: Việt Nam cần chú ý đến kiềm chế lạm phát - 1
Mức độ tăng giá hàng hóa đang được Chính phủ kiểm soát chặt.
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố thay đổi tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD. Đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch từ +_3% xuống +_1% áp dụng từ ngày 11/2/2011.

Như vậy trong 15 tháng qua, Việt Nam đã 4 lần hạ giá tiền đồng để giảm thâm hụt thương mại và thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá trên thị trường chợ đen và thị trường chính thức. Chính sách này tiềm ẩn rủi ro khiến lạm phát, vốn đã ở mức cao nhất trong 2 năm, tiếp tục tăng cao.

IMF, vào tháng 12/2010 kêu gọi chính phủ Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ để khôi phục trật tự trên thị trường ngoại hối và kiềm chế lạm phát, sau động thái ngày hôm qua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố tổ chức này đánh giá cao nỗ lực thu hẹp chênh lệch khoảng cách giữa tỷ giá trên thị trường chính thức và thị trường tự do.

Ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần nhiều chính sách khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ cần tập trung chủ yếu vào kiềm chế lạm phát và chính sách tài khóa cần hướng đến kiềm chế nợ công.

Hiện nay, nhiều nước châu Á, không tính Nhật, đang cố gắng kiềm chế lạm phát. Trung Quốc, Singapore đều đã đưa ra chính sách nâng giá đồng nội tệ và dự trữ ngoại hối.

Citigroup cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống 13,6 tỷ USD ở thời điểm cuối năm 2010, thấp hơn so với con số 14,1 tỷ USD vào tháng 9/2010 và 23,9 tỷ USD vào năm 2008.

Ông Tai Hui, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered, cho rằng: “Vẫn cần đến lãi suất cao để đảm bảo ổn định giá cả và ngăn bán tháo tiền đồng.”

Ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Credit Agricole CIB ở Hồng Kông, nói: “Mức độ hạ giá tiền đồng lần này khá mạnh. Như vậy các nhà hoạch định chính sách muốn hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng hơn kiềm chế lạm phát. Thật đáng ngạc nhiên bởi hiện nay lạm phát đang là vấn đề lớn tại Việt Nam”.

Vũ Tuấn
Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm