IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới
(Dân trí) - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 4,1% trong năm nay, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó nhưng lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu, Đức.
Thông tin này được đưa ra trong dự thảo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới của IMF.
Theo IMF, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3% trong năm 2010. Con số này đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu là 0,8%, thấp hơn 0,1% so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2010. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tăng trưởng 1,5%, thấp hơn 0,1% so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2010.
Ông Dominique Strauss-Kahn, Giám đốc IMF, nhận xét kinh tế thế giới hiện chưa thoát ra khỏi “rừng rậm” bất chấp kinh tế nhóm nước mới nổi và đang phát triển đi lên mạnh hơn dự báo ban đầu.
Theo ông Strauss-Kahn, dù đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang vững hơn so với kỳ vọng của giới chuyên gia, nhu cầu cá nhân vẫn tăng trưởng chưa đủ mạnh để cho thấy suy thoái kinh tế thế giới đã chấm dứt.
Ông nói thêm: “Cho tới khi nhu cầu cá nhân đủ ổn định để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, thật khó để có thể khẳng định khủng hoảng kinh tế đã qua”.
IMF vào tháng 1/2010 đã nâng mạnh dự báo về tăng trưởng kinh tế và dự báo kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 3,9% trong năm 2010, cao hơn mức dự báo 3,1% được đưa ra vào tháng 10/2009. IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2011 tăng trưởng 4,3%.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế phát biểu: “Đà phục hồi kinh tế hiện đến sớm hơn so với kỳ vọng. Thế nhưng khó khăn chưa qua và chúng ta cần phải thận trọng”. Dự báo về đà phục hồi kinh tế đã cải thiện dần từ cuối năm ngoái, cùng thời gian đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng hồi phục.
Thế nhưng sự phục hồi của kinh tế Mỹ từ thời kỳ đi xuống tệ hại nhất tính từ thập niên 1930 bắt nguồn chính từ kế hoạch kích cầu của chính phủ và việc các doanh nghiệp giảm bớt xả hàng tồn kho.
Ông cho rằng không loại bỏ khả năng kinh tế thế giới rơi vào suy thoái lần hai và cảnh báo về những rủi ro có thể phát sinh nếu chính phủ các nước rút đi kế hoạch kích thích kinh tế quá sớm, ông cũng thể hiện sự lo lắng khi dòng tiền đầu tư vào nhóm nền kinh tế mới nổi quá lớn sẽ có thể tạo ra “bong bóng”.
Ngọc Diệp
Theo IMF