1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Hung tin” từ Mỹ giáng xuống công ty nhà nữ đại gia Chu Thị Bình

(Dân trí) - Nhà đầu tư cũng như cổ đông Minh Phú phần nào đã thể hiện rõ sự thất vọng trước thông tin doanh nghiệp này bị phía Mỹ chính thức điều tra nghi án trốn thuế chống bán phá giá. Cổ phiếu MPC theo đó giảm sâu trong phiên cuối tuần.

Cổ phiếu MPC của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú vừa đóng cửa phiên 17/1/2020 với mức giảm sâu 1.500 đồng tương ứng 6,22% còn 22.600 đồng, đánh mất toàn bộ thành quả đã đạt được trong phiên giao dịch trước đó.

“Hung tin” từ Mỹ giáng xuống công ty nhà nữ đại gia Chu Thị Bình - 1

Doanh nghiệp của đại gia Chu Thị Bình, "vua tôm" Lê Văn Quang đang đối mặt với nhiều thách thức

Diễn biến MPC phản ánh rõ nét sự thất vọng của nhà đầu tư cũng như cổ đông Minh Phú trước thông tin doanh nghiệp này bị phía Mỹ chính thức điều tra nghi án trốn thuế chống bán phá giá.

Cụ thể, Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thông báo đã bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan đến việc Mseafood, một thành viên của Minh Phú, vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Cơ quan này đã gửi thông báo tới “vua tôm” Lê Văn Quang - Chủ tịch Minh Phú, thông qua văn phòng Mseafood tại Fountain Valley, California vào ngày 14/1. Theo đó, CBP sẽ trình đơn kiện dựa trên Đạo luật Bảo vệ và Thực thi, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp tạm thời, bao gồm yêu cầu Mseafood cung cấp các chứng từ nhập cảnh và ký quỹ tiền mặt trước khi hàng hóa được thông quan vào Mỹ.

Trước đó, các nhà sản xuất tôm nội địa Mỹ - Liên minh Tôm miền Nam (SSA) cũng đã tiếng và gửi đơn khiếu nại đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ để yêu cầu khởi xướng vụ việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nhập khẩu đến từ 6 nước, trong đó có Việt Nam.

Còn nhớ, vào hồi tháng 5 năm ngoái, đại diện của bang Illinois, nghị sĩ Darin LaHood đã gửi thư tới Uỷ viên Kevin McAleenan thuộc CBP trong đó cáo buộc Minh Phú mua một lượng lớn tôm đông lạnh từ Ấn Độ, rồi sau đó “chế biến ở mức tối thiểu” tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, kết quả hoạt động kinh doanh của Minh Phú trong tháng 12/2019 cũng gây thất vọng. Trong tháng cuối cùng của năm 2019, Minh Phú bị giảm tới hơn 43% doanh thu xuất khẩu so cùng kỳ năm ngoái, đạt 40,5 triệu USD.

Đáng nói là doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất bị sụt giảm tới gần 51% so cùng kỳ, chỉ đạt hơn 12 triệu USD.

Kết thúc năm 2019, Minh Phú thừa nhận, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đã không đạt được kế hoạch đề ra. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sản xuất giảm hơn 9%, doanh số xuất khẩu đạt 643 triệu USD, giảm 14,25% và sản lượng xuất khẩu giảm 14,69%.

Doanh nghiệp này cho biết, thời tiết và dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của Minh Phú trong năm nay.

Đầu vụ 1 năm 2019 nguyên liệu tôm trong được khá dồi dào, tuy nhiên sang vụ 2 lượng tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh do thời tiết và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, làm tôm chậm lớn không đủ cung cấp cho các nhà máy. Giá thành nguyên liệu tiếp tục tăng cao trong các tháng 8, 9, 10.

Ngoài ra, năm nay nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, làm tình hình cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy cũng trở nên nghiêm trọng hơn, giá nguyên liệu trong nước tăng cao trong khi giá bán không tăng tương ứng dẫn đến kết quả kinh doanh Minh Phú không đạt được kỳ vọng.

Về vùng nuôi, do tình hình mưa nhiều, nguồn tiền giải ngân khá chậm nên hoạt động xây dựng vùng nuôi công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng ao nhỏ được triển khai nên năm nay Minh Phú cũng chưa có nhiều nguyên liệu tôm cung cấp cho nhà máy và chưa có lợi nhuận.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm