Huế, Đà Nẵng, Nha Trang là các trung tâm giao dịch quốc tế lớn
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, TP Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang trở thành các trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế lớn của Vùng và cả nước, đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Với chủ đề Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững, Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 diễn ra sáng nay (25/9) tại TP. Đà Nẵng.
Miền Trung sẽ cất cánh?
Tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, miền Trung là địa bàn có vị trí địa chiến lược trọng yếu, nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam, là cửa ngõ ra biển của hành lang Đông - Tây, nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương.
Theo Phó Thủ tướng, miền Trung có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, thể hiện rõ định hướng đây là khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, chất lượng tăng trưởng ngày càng cao;
Miền Trung là vùng có cảnh quan môi trường tốt và là trung tâm dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Có cơ cấu kinh tế hiện đại, không gian phát triển đô thị và công nghiệp gắn với biển; có tính đến yếu tố phát triển liên vùng và cả hàng lang Đông Tây.
“Các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây - Lăng Cô, Nhơn Hội, Vân Phong là những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của Vùng. TP.Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang trở thành các trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế lớn của Vùng và cả nước, đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để xác định con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững theo chủ đề của Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi ý về một số vấn đề trọng tâm, trong đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực có ý nghĩa quyết định, cùng đó là việc phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là liên kết vùng.
Có nọ kia nhưng thực chất... chả có gì!
Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, ở miền Trung, tỉnh nào cũng hãnh diện mình có nọ có kia nhưng thực ra chả có gì.
“Du lịch miền Trung chủ yếu là đi tắm. Ở đây phải tính xem đi tắm chiếm bao nhiêu phần trăm của du lịch... Cả nước đặt vấn đề rất hay, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng tôi sang bên tổng cục du lịch hỏi mũi nhọn là thế nào thì không trả lời được.” - ông Thiên nói.
Vị PGS cũng thẳng thắn về việc ở miền Trung mạnh nhất là mạnh ai người đó làm. Không phải là các tỉnh “đánh” nhau mà do tư duy về kinh tế Vùng. Vấn đề là tư duy phát triển vùng của chúng ta chưa lấn át được tư duy phát triển tỉnh ta.
Trong khi đó, với hàng không khu vực miền Trung, cứ cứ gọi là Cảng hàng không quốc tế cho oai, chứ có mấy chuyến bay quốc tế đến miền Trung đâu. Các khu công nghiệp của miền Trung, nếu không cẩn thận thì khó “bay” lên được.
“Phải có chính quyền vùng, có quyền lực để điều phối. Chọn ưu tiên phát triển cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế - có cơ chế ưu tiên, điều này có ý nghĩa quyết định phát triển miền Trung. Phát triển vùng đặc khu” - ông Thiên cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Xuân Sơn - GĐ doanh nghiệp Chairman of Board, tại Đà Nẵng - thẳng thắn nêu quan điểm về thái độ ứng xử của cán bộ công chức Nhà nước gây bức xúc.
“Cần xóa bỏ văn hóa, đặc biệt là cách tiếp cận, thái độ ứng xử của cán bộ công chức Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân phải công bằng minh bạch, bình đẳng, để cho khối doanh nghiệp này được hưởng lợi như doanh nghiệp nhà nước và FDI. Rà soát cắt bỏ tất cả các quy định còn là rào cản gây khó khăn, làm chậm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân” - ông Sơn nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh