1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

HUD "cầu cứu" Bộ Tài chính trả thay nợ nước ngoài

(Dân trí) - HUD cầu cứu bộ Tài chính xem xét ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ cho ngân hàng nước ngoài với 03 kỳ trả nợ tiền gốc và lãi tới 1.9 triệu EUR và 2.9 triệu USD...

Số nợ phải trả trên bắt nguồn từ công ty cổ phần xi măng Sông Thao, nơi Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đầu tư 81% vốn điều lệ. Từ lúc lập dự án tới lúc kiểm toán thực hiện xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao thì số tiền đã đội lên gấp nhiều lần và khi đi vào hoạt động thì lại không hiệu quả, lỗ lớn…
 
Xi măng Sông Thao là nguyên nhân HUD ngập trong nợ nước ngoài phải nhờ bộ Tài chính giải cứu
Xi măng Sông Thao là nguyên nhân HUD ngập trong nợ nước ngoài phải nhờ bộ Tài chính giải cứu
 
Đầu tư lớn, lỗ triền miên
 
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao được khởi công từ tháng 4/2004, Nhà máy chính thức đi vào sản xuất từ 01/3/2010 với tổng mức đầu tư thực hiện dự án đã được kiểm toán lên tới hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.
 
Theo tìm hiểu, nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án nhà máy xi măng sông Thao là gần 1,6 nghìn tỷ đồng. Số tiền này bao gồm: Vốn của chủ sở hữu: 449 tỷ đồng; vay Ngân hàng Phát triển Phú Thọ: 330 tỷ đồng; vay Ngân hàng NN&PTNT Phú Thọ là hơn 311 tỷ đồng; vay nước ngoài (Ngân hàng  BNP Paribas – Cộng hòa Pháp): 8,5 triệu EUR và 13,5 triệu USD.
 
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động 3 năm công ty lỗ 306,6 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ được một lãnh đạo bộ Xây dựng đánh giá do nhà máy hoạt động không hết công suất thiết kế, mặc dù công suất thực của nhà máy đã đạt và vượt 100% công suất thiết kế tuy nhiên công ty phải giảm công suất do ảnh hưởng từ thị trường. Mặt khác, chi phí đầu vào tăng cao (điện, than, nhân công, … tăng từ 15%  đến 85% so với thời điểm 2010).
 
 Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng cho rằng công ty xi măng sông Thao lỗ cũng do nền kinh tế suy thoái, giá bán xi măng giảm khoảng 25% so với thời điểm 2010.
 
Cầu cứu bộ Tài chính trả nợ thay

Để đầu tư xây dựng nhà máy xi măng thì công ty cổ phần xi măng Sông Thao đã vay tổng vốn vay trong nước là 641 tỷ đồng, tới nay số nợ gốc đã trả mới chỉ 189 tỷ đồng. 

Ngoài ra, với tư cách là cổ đông lớn nhất, HUD vay Ngân hàng BNP Paribas của Pháp với số tiền 8,5 triệu EUR và 13,5 triệu USD để đầu tư dự án. Trong số tiền này, HUD đã trả 6 triệu EUR và 9,2 triệu USD. Tuy nhiên, dư nợ gốc tính đến 31/3/2013 là 4,7 triệu EUR và 6,1 triệu USD.

Nghĩa vụ trả nợ vốn vay Ngân hàng BNP Paribas năm 2013, 2014, được chia thành 04 kỳ tháng từ tháng 6/2013 đến tháng 1/2015  bao gồm nợ gốc phải trả: 2,1triệu EUR và 3,5 triệu USD. Nợ lãi phải trả tạm tính theo lãi suất thả nổi cho 04 kỳ trả nợ là 410 nghìn EUR và 343,7 nghìn USD.

Với tổng số nợ trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng nhà máy xi măng thì công ty cổ phẩn xi măng Sông Thao có tổng nợ phải trả/Tổng giá trị tài sản bằng 79,38% và hệ số nợ phải trả/Nguồn vốn chủ sở hữu gấp 3,85 lần.

Bởi vậy, ngày 23/4/2013, HUD đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại về việc đề nghị ứng vốn trả nợ vay nước ngoài dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao.

Trước tình trạng nợ triền miên, kéo dài của công ty cổ phần xi măng Sông Thao mà HUD chiếm giữ 81% vốn, bộ Xây dựng đã có văn bản gửi bộ Tài chính đề nghị giải cứu số nợ cho HUD.

Văn bản do bộ Xây dựng gửi bộ Tài chính nhằm tạo điều kiện cho HUD vượt qua khó khăn, đồng thời đảm bảo uy tín trong việc thanh toán đúng kỳ hạn theo hợp đồng vay vốn với nước ngoài.

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính xem xét ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho Tổng công ty HUD đối với 03 kỳ trả nợ (kỳ trả vào tháng 6, 7/2013; kỳ trả vào tháng 12/2013 và tháng 01/2014; và kỳ trả vào tháng 6, 7/2014), với số tiền gốc và lãi phải trả là gần 1,9 triệu EUR và 2,9 triệu USD.

Trong văn bản gửi bộ Tài chính,  Bộ Xây dựng khẳng định sẽ yêu cầu Tổng công ty HUD chỉ đạo Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao có biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh thu xếp nguồn vốn để hoàn trả Quỹ tích lũy trong năm 2015, 2016.
 
T.Chí