Hứa trả quỹ bảo trì 20 tỷ đồng/tháng, Keangnam chuyển 2 tỷ rồi "mất hút"

(Dân trí) - Ban Quản trị Nhà chung cư Keangnam vừa có công văn gửi lên nhiều sở ban ngành báo cáo về vấn đề quỹ bảo trì 2%, trị giá khoảng 160 tỷ đồng của cư dân vẫn bị chủ đầu tư chiếm dụng.

 

Keangnam Vina khẳng định vẫn còn tiền để trả nhưng chưa chuyển trả quỹ bảo trì vì chưa thống nhất được sẽ chuyển vào đâu!
Keangnam Vina khẳng định vẫn còn tiền để trả nhưng chưa chuyển trả quỹ bảo trì vì chưa thống nhất được sẽ chuyển vào đâu!

Theo đó, Ban Quản trị toà nhà này cho biết, cho đến nay, ngoài 2 tỷ đồng duy nhất được chủ đầu tư chuyển giao theo văn bản cam kết vào đồng tài khoản giữa Ban Quản trị và đại diện Công ty Keangnam vào ngày 12/6/2015, phía chủ đầu tư Keangnam Vina vẫn không chuyển trả thêm khoản tiền nào của quỹ bảo trì.

Cơ quan Công an quận Nam Từ Liêm và Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã đến cơ sở để điều tra thu thập tài liệu và đã trực tiếp làm việc nhiều lần với chủ đầu tư Keangnam Vina nhưng vẫn chưa có kết quả.

Theo Ban Quản trị toà nhà Keangnam, sau khi làm việc với Keangnam Vina, công ty này cho biết, hiện nay công ty mẹ Keangnam Hàn Quốc đã bị toà án Hàn Quốc phong toả tài sản để quản lý và điều hành. Số tiền bảo trì được thu từ trước năm 2011 không được đưa vào tài khoản tiền gửi ngân hàng mà để lẫn vào tài khoản chung của công ty và được đưa vào hoạt động kinh doanh, không tách ra để quản lý như quy định.

Keangnam Vina cũng thừa nhận, việc cam kết trả quỹ bảo trì với tiến độ 20 tỷ đồng mỗi tháng vào ngày 11/6/2015 là do Keangnam Vina tự ý đưa ra nên không có giá trị vì chưa được cấp trên phê duyệt. Keangnam Vina cũng xin 20 ngày kể từ ngày 28/8/2015 để cấp trên phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức.

“Chủ tịch Keangnam Vina khẳng định, hiện hoạt động của công ty tại Việt Nam vẫn tốt và có đủ tiền để trả quỹ bảo trì nhưng ông nhắc lại trước đó công ty này vẫn chưa thống nhất được việc sẽ bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị hay cho Doanh nghiệp bảo trì được Ban Quản trị lựa chọn để quản lý nhà chung cư”, Ban Quản trị toà nhà Keangnam cho hay.

Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được biết đến là tòa nhà hiện đại cao nhất việt Nam nhưng cũng là một trong số những toà nhà nhiều tai tiếng nhất tính cho tới thời điểm hiện nay. Năm 2008, bắt đúng đỉnh của cơn sốt bất động sản Việt Nam, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục khoảng 3.000 USD/m2, đẩy giá căn hộ lên tới 7-8 tỷ đồng/căn.

Tuy nhiên, giá bán đẳng cấp dường như chưa thực sự đi cùng với những đẳng cấp sống. Dự án này vướng phải khá nhiều kiện tụng do phí chung cư quá đắt đỏ. Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho thành phố Hà Nội vì... lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà. Chủ đầu tư này cũng từng bị phạt do thanh toán căn hộ bằng ngoại tệ, phải hầu tòa do khách hàng kiện tính gian diện tích…

Thời gian gần đây vấn đề phí bảo trì chung cư liên tục là chủ đề nóng được đề cập đến. Ngoài Keangnam, mới đây nhất, thông tin về việc Tổng công ty Vinaconex không chịu bàn giao quỹ bảo trì 70 tỷ đồng cho cư dân cụm NO5 Trung Hoà Nhân Chính - Hà Nội cũng được nhiều phương tiện truyền thông nhắc tới.

Tại Tọa đàm góp ý cho bản dự thảo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư tổ chức hôm 16/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết nếu chủ đầu tư vi phạm bàn giao phí bảo trì cho cư dân sẽ bị UBND tỉnh cưỡng chế.

Cụ thể, theo Điều 36 của dự thảo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản để tạm quản lý kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi Ban quản trị hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán chưa cho thuê mua cho ban quản trị nhà chung cư.

Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế.

Phương Dung