HSBC nâng triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2014 lên 5,6%

(Dân trí) - Tuy nhiên, nhóm phân tích của HSBC cũng lưu ý rằng, Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề đang cản trở hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp nội địa để duy trì sự tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Nền kinh tế vẫn còn khá mong manh

 

Tại Báo cáo vĩ mô vừa cập nhật, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) ghi nhận, trong cuộc khủng hoảng thị trường tài chính quốc tế, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển tương đối mạnh mẽ.

 

Một nguyên nhân giải thích điều này là do Việt Nam sở hữu một thị trường vốn tương đối nhỏ, đồng thời có những lợi ích phát sinh từ chương trình nới lỏng định lượng ở các nước phát triển.


HSBC nâng triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2014 lên 5,6%

Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề đang cản trở hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp nội địa

 

Giữa lúc tăng trưởng chậm lại và không còn giai đoạn hoàng kim như trước, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khoá nhằm hạ nhiệt một nền kinh tế quá nóng, đồng thời hoàn thiện khả năng quản lý hệ thống tài chính - bắt đầu bằng việc phân loại ngân hàng, mua lại các khoản nợ xấu và đánh giá những trở ngại đối với quá trình tăng trưởng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Nga chi 51 tỷ USD cho thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử

Nếu thuận lợi, lãi suất cho vay có thể giảm

Mã lớn đỏ sàn, cổ phiếu nhỏ đắt hàng đầu năm

Rò rỉ đoạn ghi âm Mỹ xúi giục tiến hành đảo chính ở Ukraina

 

Nhu cầu trong nước giảm đáng kể giúp giảm chi phí nhập khẩu và hỗ trợ cán cân thương mại đạt mức thặng dư. Lạm phát cũng ở mức một con số kể từ tháng 5/2012. Tỷ giá hối đoái một thời chậm chạp cũng đã ổn định.


HSBC nhận xét, tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 đạt 5,4% đa phần được dẫn dắt bởi khối dịch vụ và dòng vốn đầu từ nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân trong năm 2013 đạt tỷ lệ khá ấn tượng ở mức 81,7% và 9,9% đã thực sự phản ánh khả năng cạnh tranh của lao động và vị trí địa lý của Việt Nam.

 

Tuy vậy, báo cáo cũng lưu ý "trong khi hy vọng về tiềm năng của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới đầu tư quốc tế, chúng tôi tin rằng nền kinh tế vẫn còn khá mong manh với nhiều khó khăn chính yếu vẫn chưa được giải quyết".

 

Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn với tình hình tín dụng bị thắt chặt, nhu cầu trong nước không cao và năng lực cạnh tranh giảm. Điều này có nghĩa là các nhà làm chính sách sẽ phải giải quyết các vấn đề đang cản trở hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp nội địa để duy trì sự tăng trưởng trong trung và dài hạn.

 

HSBC cho rằng, trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ vào sự đổi mới dần dần của việc xây dựng năng lực thể chế và tập trung cho đầu tư các hoạt động sản xuất. Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 1 đã đạt kết quả cao nhất kể từ tháng 4/2011 và sản lượng có nhiều khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới.

 

Báo cáo có đoạn: "Việt Nam đón chào năm Giáp Ngọ với tràn đầy hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng hy vọng thường cũng có thể trở thành tuyệt vọng khi không dựa trên một kế hoạch cụ thể. Tình hình xấu nhất dường như đã qua, các nhà làm chính sách hiện nay có thể đề ra một chiến lược cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam và phát hiện ra tiềm năng của đất nước".

 

Nâng triển vọng GDP Việt Nam năm 2014 lên 5,6%

 

Về các chỉ số vĩ mô, HSBC đánh giá, lĩnh vực sản xuất sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao mức tăng trưởng GDP từ 5,4% trong năm 2013 lên mức dự kiến 5,6% trong năm 2014.

 

Theo đó, tăng trưởng lĩnh vực sản xuất chắc chắn là một tín hiệu lạc quan, đặc biệt là khi dòng vốn ngoại đang đổ vào mạnh mẽ và sự giới thiệu các chuẩn mực sản xuất quốc tế vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp nền kinh tế vượt qua một thời kỳ đầy khó khăn như hoạt động đầu tư và tiêu thụ chậm chạp.

 

Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn này, một chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa cũng rất quan trọng - báo cáo lưu ý.

 

Cụ thể, chiến lược này có đang gia tăng mối quan hệ của các doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng, cải thiện các giá trị cộng thêm vào hoạt động sản xuất bên cạnh nguồn nhân công giá rẻ và nguyên vật liệu thô hay không, nhóm phân tích cho rằng, vẫn cần phải có một lộ trình chính sách để đảm bảo các doanh nghiệp trong nước không bị tụt hậu lại phía sau.

 

Nếu thất bại trong việc thực thi chiến lược này thì sẽ phát sinh nguy cơ khiến nền kinh tế phát triển không ổn định, từ đó có thể gây hậu quả trong tương lai khi chi phí nhân công lao động bắt đầu tăng mạnh, theo nhóm phân tích.

 

Ngoài ra, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trên toàn cầu đang chậm lại cũng như các điều kiện trong nước khó khăn đang cản trở năng suất và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

 

Ở phương diện kiềm chế lạm phát, CPI toàn phần đã chậm lại từ mức 6% trong tháng 12 xuống còn 5,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu vẫn duy trì ở mức thấp

 

HSBC cho rằng, lạm phát nên tiếp tục được kiềm chế trong năm 2014 mặc dù trong năm 2013 có tăng nhẹ do giá cả thực phẩm tăng cao. Giá điện tăng cũng góp phần vào áp lực lạm phát.

 

Tại báo cáo, nhóm phân tích hy vọng, lạm phát cơ bản của Việt Nam sẽ ở quanh mức 6-7% trong năm nay. Trong khi đó, giá điện tăng cao hơn cũng có thể làm tăng áp lực lạm phát.

 

Bích Diệp



VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước