1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Hốt bạc” từ những ý tưởng kinh doanh kỳ quặc

(Dân trí) - Nhà hàng kem phong cách toa-lét, không khí sạch đóng lon, dưa hấu vuông…là một vài trong số những ý tưởng kinh doanh khôi hài giúp các doanh nhân châu Á “hái ra tiền”.

Ban đầu, những ý tưởng này có thể bị xem là ngớ ngẩn. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, đây hoàn toàn là những ý tưởng đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh nhờ đi vào những thị trường ngách, đáp ứng một nhu cầu nào đó của người tiêu dùng.

Dưới đây là một số ý tưởng kinh doanh lạ đời nhưng vô cùng “lợi hại” ở châu Á do trang CNBC điểm qua:

Nhà hàng phong cách toa-lét

“Hốt bạc” từ những ý tưởng kinh doanh kỳ quặc

Thưởng thức những que kem với hình dạng “kỳ cục” khi đang ngồi trên bồn cầu giữa thanh thiên bạch nhật? Đây có vẻ như là một điều không thể chấp nhận đối với nhiều người. Nhưng ở Đài Loan, mỗi chuỗi nhà hàng mang phong cách toa-lét, có tên Modern Toilet, đang rất ăn nên làm ra.

Cựu nhân viên ngân hàng Wang Zi-Wei đã đứng ra thành lập Modern Toilet vào năm 2004 sau khi gặt hái thành công từ việc bán kem sô-cô-la trong những hộp đựng hình… bồn cầu. Đến nay, chuỗi nhà hàng này đã có 12 điểm ở Đài Loan và 1 điểm ở Hồng Kông.

Khi đến một cửa hiệu Modern Toilet, thực khách sẽ được ngồi trong những chiếc ghế hình bồn cầu, trước những chiếc bàn ăn hình bồn rửa tay có mặt kính, bên cạnh những cuộn giấy toilet treo trên tường. Đồ uống được đưa ra trong những chiếc cốc mang hình thù của bồn tiểu, còn các món ăn được đựng trong những chiếc đĩa hình bồn tắm.

Modern Toilet hiện đang được xem là một điểm thu hút khách du lịch hàng đầu ở Đài Loan. Trang web tư vấn du lịch TripAdvisor dành cho nhà hàng này điểm đánh giá 3,5 sao. Modern Toilet cũng đã xuất hiện trong chương trình “Những nhà hàng kỳ lạ nhất thế giới” của kênh truyền hình TLC.

Ngoài nhà hàng phong cách toa-lét, ở Đài Loan còn có những nhà hàng không kém phần “kỳ cục” như nhà hàng mang phong cách bệnh viện, nhà tù…

Không khí sạch đóng lon

“Hốt bạc” từ những ý tưởng kinh doanh kỳ quặc
Chất lượng không khí ở Trung Quốc đang suy giảm mạnh đến nỗi, một doanh nhân của nước này kiếm bộn nhờ bán không khí sạch đóng lon.

Triệu phú Chen Guangbiao, một “đại gia” thuộc lĩnh vực tái chế ở Trung Quốc, được cho là đã thu thập không khí ở những vùng xa xôi và chưa bị ô nhiễm như Tân Cương, rồi đóng lon đem bán. Mặt hàng này “chạy như tôm tươi” vào tháng 1 năm nay khi cư dân ở Bắc Kinh đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí kỷ lục. Theo ông Chen, trong 10 ngày cuối tháng 1, ông đã bán được 8 triệu lon không khí sạch, với giá 5 Nhân dân tệ/lon.

Sản phẩm không khí sạch đóng lon của ông Chen có những cái tên rất kêu như “Tây Tạng nguyên sơ”, “Đài Loan hậu công nghiệp”… Mặt hàng này đã có từ giữa năm 2012 nhưng đến đầu năm nay mới nổi như cồn. Triệu phú Chen tuyên bố đã tài trợ số tiền thu được từ vụ bán không khí sạch này cho các khu vực kém phát triển của Trung Quốc.

Dưa hấu vuông

Dưa hấu vuông có thể được xem là một trong những phát minh “vĩ đại” nhất của người Nhật.
Dưa hấu vuông có thể được xem là một trong những phát minh “vĩ đại” nhất của người Nhật.

Những người nông dân ở vùng Zentsuji miền nam Nhật Bản đã  khéo léo ép những quả dưa hấu biến thành hình vuông nhằm tiện cho việc cất giữ trong tủ lạnh. Họ đặt những quả dưa vào những chiếc hộp kính hình vuông trong khi chúng vẫn đang phát triển. Giới truyền thông bắt đầu đưa tin về dưa hấu vuông vào năm 2001. Tuy nhiên, nông dân Nhật được cho là đã làm ra sản phẩm này từ hơn 30 năm trước.

Những quả dưa hấu vuông không chỉ đậm chất sáng tạo mà còn là một “cỗ máy in tiền”. Ở Nhật, dưa hấu vuông có giá 150-250 USD/quả, trong khi dưa hấu tròn bình thường chỉ có giá khoảng 30 USD/quả.

Một công ty hoa quả ở Panama có tên là Panama Fruit Producer đã “bắt chước” cách làm này của người Nhật, trồng và xuất khẩu dưa hấu vuông sang Mỹ và châu Âu từ năm 2010. Tại các thị trường này, dưa hấu vuông được bán lẻ với giá 75 USD/quả.

Cười “thả phanh” trên mạng

Dưa hấu vuông có thể được xem là một trong những phát minh “vĩ đại” nhất của người Nhật.

Vào năm 2008, 4 người Hồng Kông đã quyết định cùng nhau lập nên một trang mạng xã hội mang tên 9gag.com, cho phép các thành viên tải lên những bức tranh, đoạn video hài hước để cùng xem, bình luận và đánh giá. Được thành lập năm 2008, trang này nhanh chóng thu hút một lượng lớn người dùng, không chỉ ở châu Á mà còn ở các thị trường khác như Mỹ.

Với việc cho phép người truy cập trang web kết nối với những mạng xã hội như Facebook, Twitter hay mới đây là Google+, 9gag.com đã thành công trong việc thâm nhập vào cộng đồng sử dụng mạng xã hội khổng lồ.

Hiện 9gag.com đang nằm trong nhóm những trang web hài hước phát triển nhanh nhất thế giới, với 70 triệu người truy cập và hơn 1 tỷ lượt xem mỗi tháng. Tháng 7 năm ngoái, trang này nhận được 2,8 triệu USD tiền vốn để phát triển ra thị trường quốc tế.

Cà phê chồn


Dưa hấu vuông có thể được xem là một trong những phát minh “vĩ đại” nhất của người Nhật.

Cà phê chồn hay chính xác hơn cà phê phân chồn là loại đồ uống đặc biệt và có giá vào hàng đắt nhất trên thế giới. Theo các chủ trang trại cà phê ở châu Á, loài cầy hương trèo lên các cây cà phê và ăn những trái cà phê đỏ nhất, chín nhất. Nhưng do không thể tiêu hóa hạt cà phê, nên chúng lại thải hạt cà phê ra cùng với phân của nó.

Những người dân ở đây sẽ đi thu lượm phân có lẫn hạt cà phê của loài cầy hương này. Enzyme tiết ra từ dạ dày của chồn đã tạo ra vị đặc biệt của cà phê trong quá trình lên men. Tiếp đến, nhà sản xuất sẽ tiến hành làm sạch và rang cà phê. Chính vì cách chế biến cầu kỳ như trên, giá cà phê chồn thường rất đắt đỏ.

Cà phê chồn bắt đầu xuất hiện từ những năm 1800 ở các đảo Java và Sumatra của Indonesia và đến nay vẫn rất phát triển ở nước này. Việc thu lượm cà phê chồn thậm chí còn lan sang những nước khác như Việt Nam, Philippines và Peru.

Những người sành cà phê sẵn sàng trả từ 20-65 USD để thưởng thức một cốc cà phê chồn. Trên trang bán lẻ trực tuyến Amazon.com, cà phê chồn có giá khoảng 350 USD/kg.

Thiết bị dò phóng xạ bỏ túi


Dưa hấu vuông có thể được xem là một trong những phát minh “vĩ đại” nhất của người Nhật.

Sau thảm họa kép động đất-sóng thần-hạt nhân ở Nhật Bản hồi năm 2011, thì nhu cầu đối với một thiết bị phát hiện phóng xạ bỏ túi cũng xuất hiện. Thiết bị Pocket Geiger đã ra đời vào năm 2011, là kết quả phát minh của tổ chức phi lợi nhuận có tên Radiation Watch. Đây là thiết bị đầu tiên có thể dò phóng xạ với sự hỗ trợ của một chiếc điện thoại thông minh.

Pocket Geiger đòi hỏi phải được gắn với một chiếc iPhone hoặc smartphone chạy hệ điều hành Android. Thiết bị này cũng có thể tải các dữ liệu cá nhân lên một cơ sở dữ liệu trung tâm.

Có nhiều phiên bản khác nhau của Pocket Geiger, với giá dao động từ 20-70 USD/chiếc. Ông Yang Ishigaki, nhà sáng lập Radiation Watch, cho biết, đến tháng 12 năm ngoái đã bán được 20.000 chiếc Pocket Geiger. Hiện thiết bị này cũng đang được bán trên Amazon và eBay.

Quần lót khử mùi


Dưa hấu vuông có thể được xem là một trong những phát minh “vĩ đại” nhất của người Nhật.

Một doanh nhân người Australia có tên Gilbert Huynh đã phát minh ra loại quần lót có thể ngăn chặn những mùi khó chịu dành cho nam giới. Loại quần lót không mùi này có nhãn hiệu 4SKINS và được bán trực tuyến với giá 25 - 35 USD. Đây là loại quần sử dụng công nghệ nano nên có thể ngăn chặn những mùi khó chịu thẩm thấu qua lớp vải quần.

Một công ty khác của Nhật Bản là Seiren cũng tung ra một sản phẩm tương tự và nhanh chóng thu hút được người tiêu dùng Nhật Bản, đặc biệt là các nam doanh nhân. Ngoài quần lót khử mùi, Seiren đã mở rộng sản xuất 22 sản phẩm, bao gồm tất khử mùi, áo khử mùi, khẩu trang khử mùi…

Biến tro cốt người chết thành hạt cườm

Dưa hấu vuông có thể được xem là một trong những phát minh “vĩ đại” nhất của người Nhật.
Bonhyang, một công ty có trụ sở ở Icheon, ngay phía nam Seoul, Hàn Quốc, đã ăn nên làm ra nhờ công nghệ biến tro cốt của người chết thành hạt cườm trông giống như viên đá quý đẹp mắt. Ông Bae Jae-yul, người sáng lập Bonhyang, cho biết việc biến tro cốt người đã khuất thành hạt cườm cho phép mọi người giữ những người thân yêu bên cạnh mình.

Sáng kiến này được đưa ra sau chiến dịch mà Chính phủ Hàn Quốc phát động vào năm 2000 khuyến khích việc hỏa táng thay vì chôn cất cơ thể của người đã khuất như truyền thống nhằm tiết kiệm diện tích.

Người ta phải dùng nhiệt độ cực cao để nóng chảy tro cốt cho tới khi chúng được kết tinh và có thể biến thành những hạt cườm. Trên thực tế, ngành kinh doanh này đã từng xuất hiện ở Hàn Quốc vào cuối thập niên 1990, nhưng khi đó những hạt cườm không đẹp và không nhận được sự quan tâm của công chúng.

Mức giá để biến tro cốt của một người đã khuất thành hạt cườm cỡ viên sỏi là khoảng 900 USD/oz. Ông Jae-yul cho biết, trong vòng 10 năm qua, ông đã phục vụ hơn 10.000 khách hàng.
 
Phương Anh
Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm