Họp đại hội cổ đông không thể tiến hành, HĐQT Eximbank vẫn chỉ có 4 người
(Dân trí) - Phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank sáng 16/1 không thể tiến hành nên ngân hàng này vẫn chưa bầu bổ sung được 3 thành viên HĐQT như dự kiến.
Sáng nay (16/1), phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã chứng khoán: EIB) không thể tiến hành khi chỉ có 132 cổ đông tham dự, đại diện 53,2% cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi theo điều lệ ngân hàng, số cổ đông tham dự phải đại diện tối thiểu 65% cổ phần có quyền biểu quyết, phiên họp đại hội đồng cổ đông mới có thể tiến hành.
Như vậy, Eximbank vẫn chưa thể bổ sung 3 thành viên HĐQT mới thay thế các ông bà: Võ Quang Hiển, Đào Phong Trúc Đại, Lê Hồng Anh đã từ nhiệm. HĐQT ngân hàng này hiện vẫn chỉ có 4 người gồm Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú, các thành viên gồm ông Nguyễn Hiếu, ông Nguyễn Thanh Hùng, bà Đào Hà Phương.
Ứng viên tiếp theo dự kiến được bầu làm thành viên HĐQT Eximbank là ông Phạm Quang Dũng. Sinh năm 1982, ông Dũng từng có 13 năm làm việc tại Techcombank, giữ nhiều vị trí quản lý. Từ năm 2018, ông Dũng làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Filmore và hiện là CEO Công ty TNHH Đầu tư & Kinh doanh Bất động sản Phú Mỹ.
Ứng viên còn lại là ông Trần Anh Thắng, sinh năm 1984. Ông Thắng có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, hiện là Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt, Chủ tịch Công ty Cổ phần Amber Capital Holdings, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước.
Trước thềm phiên họp đại hội cổ đông bất thường, cổ phiếu EIB chứng kiến nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng đột biến lên tới hàng trăm triệu đơn vị. Đơn cử trong phiên 13/1, hơn 134 triệu cổ phiếu EIB được sang tay theo hình thức thỏa thuận với giá trị hơn 3.400 tỷ đồng. Trước đó, vào 2 ngày 21-22/12/2022, hơn 200 triệu cổ phiếu EIB cũng được chuyển nhượng theo hình thức thỏa thuận.
Sau nhiều giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank hiện chỉ còn 18,9% cổ phần. Điều này đồng nghĩa với khả năng cổ đông Nhật Bản SMBC đã thoái vốn khỏi Eximbank nhưng chưa chính thức công bố thông tin. SMBC trên danh nghĩa là nhà đầu tư lớn nhất tại ngân hàng này với 15% cổ phần.