Hồng Kông muốn khởi kiện Mỹ vì yêu cầu dán nhãn “Made in China”

Thùy Dung

(Dân trí) - Hồng Kông xác nhận ý định khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về yêu cầu dán nhãn “sản xuất tại Trung Quốc” trên hàng hóa xuất khẩu từ Hồng Kông.

Hồng Kông muốn khởi kiện Mỹ vì yêu cầu dán nhãn “Made in China” - 1

Hàng hóa xuất khẩu của Hồng Kông sang Mỹ phải được dán nhãn là “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) từ ngày 25/9.

Hôm thứ Năm, một phát ngôn viên của Cục Phát triển Kinh tế và Thương mại Hồng Kông cho biết, họ “sẽ hành động chống lại Mỹ theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để bảo vệ quy chế lãnh thổ hải quan riêng biệt của chúng tôi và bảo vệ lợi ích của chúng tôi”. Người này nói thêm rằng, các quy định của Mỹ về việc dán nhãn vi phạm “tư cách thành viên WTO riêng biệt của Hồng Kông”.

Trích dẫn các điều 116 và 151 của Luật Cơ bản của WTO, trong đó “quy định rằng HKSAR là một lãnh thổ hải quan riêng biệt”, người này nói rằng thành phố sẽ thực hiện tham vấn song phương với Mỹ, sẽ tiến hành một cuộc tranh chấp ban hội thẩm tại WTO nếu các cuộc đàm phán thất bại.

“Tôi nghĩ đó là một sai lầm”, Cartland, một chuyên gia hiện đã nghỉ hưu ở Hồng Kông sau nhiều thập kỷ đại diện cho thành phố cho biết. “Đó là tổ ong bắp cày nếu chúng ta đá vào; kết quả có thể tồi tệ hơn. Lời khuyên của tôi là: đừng khuấy động mọi thứ, Tổng thống Trump có thể dễ dàng khiến mọi thứ tồi tệ hơn nhiều đối với Hồng Kông”.

Nhưng những người khác nói rằng, Hồng Kông phải bảo vệ các quyền của mình với tư cách là một thành viên của WTO.

“Người Hồng Kông cần một la bàn pháp lý để giao dịch và chính quyền Hồng Kông nên đi đầu trong việc này. Chúng ta không thể nói: “Chỉ vì ông Trump nói điều này, vậy nên chúng ta không thể làm gì khác được.” Vậy, những quy tắc đặt ra để làm gì? Hay không có quy tắc nào? Chúng ta không thể chỉ hành động như một thành phố của đại lục bởi vì ông Trump định nghĩa lại chúng ta như vậy”, Alan Hoo, một chính trị gia ủng hộ việc khiếu kiện của thành phố cho biết.

Trong các cuộc phỏng vấn với hơn một chục học giả thương mại, chính trị gia, nhà ngoại giao và luật sư, đa số cho biết có cơ sở pháp lý để Hồng Kông khiếu kiện, với nhiều điều khoản trong GATT và WTO bao gồm các vi phạm tiềm ẩn về nhãn mác, thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và quyền tự do.

Rambod Behboodi, một cựu quan chức thương mại của chính phủ Canada hiện làm việc tại công ty luật King & Spalding ở Geneva, trích dẫn ví dụ về việc Canada đưa vụ kiện lên WTO chống lại Pháp về lệnh cấm amiăng, một mặt hàng xuất khẩu chính của Quebecois.

Behboodi cho biết, Canada đã thua kiện, nhưng bản thân quá trình này thậm chí còn gây tổn hại nhiều hơn cho Ottawa, cả về tiền bạc và danh tiếng, vì nó nêu bật quyết tâm của chính phủ nước này trong việc hỗ trợ bán các vật liệu độc hại.

“Đây là một câu chuyện cảnh báo về việc kiện tụng ở nơi công cộng. Một vụ kiện của WTO có thể phơi bày nhiều điều về mối quan hệ Hồng Kông - Trung Quốc hơn họ muốn”, ”Behboodi nói.

“Mỹ sẽ có một năm rưỡi chuẩn bị tài liệu vững chắc cho thấy Hồng Kông có thể không có chính sách độc lập với Bắc Kinh. Chính quyền Hồng Kông có muốn bằng chứng đó được phán xét bởi tòa án quốc tế không?", ông này nói thêm.

Sau đó, có một thực tế là chính WTO đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nếu không có tòa án phúc thẩm WTO đang hoạt động, Mỹ có thể tiếp tục kháng cáo nếu thua kiện. Ngay cả một chiến thắng có thể cũng chỉ là một đống đổ nát, vì có rất ít lựa chọn để trả đũa.

“Vì vậy, nếu Hồng Kông quyết định áp đặt thuế quan đối với Mỹ - đây sẽ là mục tiêu đầu tiên - thì nó sẽ nhắm đến điều gì? Sản phẩm tiêu dùng hay thực phẩm? Điều đó gửi thông điệp gì về Hồng Kông? Và sẽ làm tổn thương ai, người tiêu dùng Mỹ hay người dân Hồng Kông?” Bryan Mercurio, giáo sư luật thương mại tại CUHK, đặt câu hỏi.

Trải qua tất cả những xáo trộn trong năm qua, Hồng Kông đã cố gắng duy trì hình ảnh của mình như một pháo đài của thương mại tự do, và những nỗ lực của Mỹ nhằm xóa sổ điều này dường như đã gây ra nhiều chỉ trích quốc tế đến từ thành phố này.