Hơn 72% doanh nghiệp ở ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai

Nguyễn Cường

(Dân trí) - "72,4% doanh nghiệp ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là con số cao nhất trong các khu vực trên cả nước", ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, nói.

Ngày 31/7, tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long về Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, lãnh đạo một số địa phương cùng hàng trăm chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hơn 72% doanh nghiệp ở ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai - 1

Toàn cảnh Hội thảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long về Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh (Ảnh: Nguyễn Cường).

Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết, theo nhiều nghiên cứu quốc tế, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang ngày trở thành vấn đề nghiêm trọng, thách thức sự phát triển bền vững.

ĐBSCL là vùng dễ tổn thương nhất, đang đứng trước những thách thức to lớn về kinh tế - xã hội - môi trường từ việc suy giảm nước và phù sa từ thượng nguồn sông Mekong. Các hoạt động khai thác tài nguyên, lạm dụng nông dược, khai thác cát và nước ngầm quá mức trong khu vực càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Hơn 72% doanh nghiệp ở ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai - 2

Tiểu thương ở chợ trung tâm TP Cần Thơ buồn vì ế ẩm (Ảnh: Bảo Trân).

"Khảo sát do VCCI triển khai trong năm 2023 cho thấy có tới 72,4% doanh nghiệp ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là con số cao nhất trong các khu vực trên cả nước", ông Phòng nhấn mạnh.

Phó chủ tịch VCCI nhận định, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng điều hành và sự năng động của bộ máy công quyền của các tỉnh miền Tây được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thuộc tốp đầu cả nước. Các tỉnh được đánh giá nổi bật gồm Đồng Tháp, Long An, Bến Tre…

"Chỉ 2% doanh nghiệp cho biết tốn trên 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức, đây là con số thấp nhất cả nước", ông Thạch nói. Tuy nhiên, theo ông Thạch, chính quyền trong khu vực vẫn cần tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt trong vấn đề đất đai. Song song đó, vấn đề bảo vệ môi trường cần được chú trọng hơn nữa.

Hơn 72% doanh nghiệp ở ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai - 3

Một nhà máy ở Cần Thơ bị sạt lở năm 2024, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng (Ảnh: CTV).

Ngoài những thuận lợi, ông Thạch cũng nêu ra những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp ở miền Tây đang đối mặt.

Vấn đề đầu tiên, ông Thạch cho rằng chất lượng lao động trong khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến chi phí tuyển dụng của doanh nghiệp bị đội cao.

Khó khăn thứ 2 mà các doanh nghiệp miền Tây phải đối mặt là thiếu cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối chưa đảm bảo. Các doanh nghiệp cũng cho biết họ gặp khó trong khâu tiếp cận nguồn vốn và bất ổn thị trường quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội thảo, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tỉnh này chủ trương thực hiện "kinh tế tuần hoàn" để thúc đẩy "tăng trưởng xanh", xây dựng các chuỗi giá trị nông sản để nâng cao đời sống nông dân, song song việc bảo vệ môi trường.

Ông Nghĩa cho rằng việc nhận định chất lượng lao động ở miền Tây chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp là chưa chính xác.

"Ở miền Tây, hay cụ thể ở Đồng Tháp, chúng tôi có lực lượng lao động dồi dào, kể cả lao động trình độ chuyên gia cũng không hẳn đã thiếu. Tuy nhiên lực lượng này đang lao động ở nơi khác. Chính quyền địa phương luôn sẵn sàng đưa ra nhiều chính sách để cùng doanh nghiệp thu hút người lao động quay lại làm việc ở quê hương", ông Nghĩa nói.

Hơn 72% doanh nghiệp ở ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai - 4

Giao thông miền Tây đang dần hoàn thiện (Ảnh: Bảo Kỳ).

Riêng vấn đề khó khăn về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng, ông Nghĩa nhìn nhận đây là thực tế, sẽ cần thời gian để cải thiện. Chính quyền các tỉnh thành trong khu vực đang nỗ lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Trung ương cũng đang hỗ trợ rất lớn cho khu vực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm