Hơn 500 cổ phiếu mất giá, nhà đầu tư nghẹt thở

Mai Chi

(Dân trí) - Thống kê cuối phiên cho thấy có 672 mã cổ phiếu không hề phát sinh giao dịch. Trong khi đó, số lượng mã giảm áp đảo với 519 mã giảm giá so với 259 mã tăng.

Giới đầu tư trong nước vừa trải qua phiên giao dịch căng thẳng khi phần lớn thời gian VN-Index giằng co sát ngưỡng 1.250 điểm. Cuối phiên chiều 19/12, có thời điểm VN-Index đã xuyên thủng mốc 1.250 trước khi đóng cửa tại 1.254,67 điểm, ghi nhận thiệt hại 11,33 điểm tương ứng 0,9%.

Cổ phiếu lớn giảm mạnh có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung. Có tới 26 mã giảm trong rổ VN30 khiến chỉ số rổ này mất 15,67 điểm tương ứng 1,18%. Ngược lại, HNX-Index vẫn tăng 0,11 điểm tương ứng 0,05% và UPCoM-Index điều chỉnh 0,34 điểm tương ứng 0,37%.

Thanh khoản cải thiện trong bối cảnh phần lớn cổ phiếu chiết khấu. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 779,4 triệu đơn vị tương ứng 17.811,16 tỷ đồng; trên HNX là 58,74 triệu cổ phiếu tương ứng 1.115,48 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 42,54 triệu cổ phiếu tương ứng 603,21 tỷ đồng.

Hơn 500 cổ phiếu mất giá, nhà đầu tư nghẹt thở - 1

Thanh khoản thị trường cải thiện (Nguồn: VNDS).

Thống kê cuối phiên cho thấy có 672 mã cổ phiếu không hề phát sinh giao dịch. Trong khi đó, số lượng mã giảm áp đảo với 519 mã giảm giá so với 259 mã tăng (riêng HoSE có tới 322 mã giảm so với 75 mã tăng). Mặc dù áp lực bán diễn ra trên diện rộng nhưng không có tình trạng bán tháo. Chỉ có 14 mã giảm sàn trên cả 3 sàn và trên sàn HoSE có 3 mã giảm sàn.

Cổ phiếu ngành ngân hàng giảm đồng loạt, một số mã giảm mạnh như SSB giảm 4,3%; EIB giảm 2%; TCB và NAB cùng giảm 1,9%; MSB giảm 1,7%; TPB giảm 1,5%... Loạt ông lớn như VCB, CTG, BID cũng giảm giá, theo đó ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index.

VDS là mã hiếm hoi trong nhóm chứng khoán tăng giá nhẹ (tăng 0,5%), SSI đứng giá với thanh khoản lớn lên tới 30,7 triệu đơn vị, còn lại nhuốm sắc đỏ. ORS giảm 2,7%; APG giảm 2,4%; DSC giảm 2%, nhiều mã giảm trên 1% như VND, DSE, VIX, CTS, FTS…

Một bộ phận cổ phiếu bất động sản tiếp tục giữ được trạng thái tăng bất chấp phần lớn cổ phiếu cùng ngành điều chỉnh giá. TDH tăng trần, không còn dư bán; QCG tăng 2,9%; KDH tăng 1,7%. Ngược lại, TCH giảm 2,6%; PDR giảm 2,5%; NLG giảm 2,4%; AGG giảm 2,2%; KBC giảm 2%.

YEG vẫn tiếp tục giữ phong độ khi tăng trần lên 17.800 đồng, đóng cửa với khớp lệnh 13,6 triệu đơn vị, có dư mua giá trần. Trong khi đó, VCA cũng tăng trần lên 14.200 đồng; SAM tăng trần lên 7.320 đồng.

Ở phiên này, khối ngoại bán ròng với giá trị 483 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, bán ròng trên HoSE là 481 tỷ đồng. Nếu như tâm điểm bán ròng của khối ngoại tại SSI với giá trị 121 tỷ đồng, VPB với 89 tỷ đồng, VCB với 72 tỷ đồng thì cổ phiếu FPT được khối ngoại mua ròng 109 tỷ đồng; KDH được mua ròng 48 tỷ đồng.