Hơn 40% công ty Nhật Bản đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Thùy Dung

(Dân trí) - Lo sợ những rủi ro phía trước, hơn 40% các công ty công nghệ Nhật Bản đang bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất và nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.

Hơn 40% công ty Nhật Bản đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc - 1

Một cuộc khảo sát của hãng Kyodo News cho biết, hơn 40% công ty Nhật Bản được chính phủ Nhật công nhận là sở hữu công nghệ nhạy cảm liên quan đến an ninh đang xem xét hoặc đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất và nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc sang các quốc gia khác nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Động thái giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Bắc Kinh và giảm thiểu rủi ro an ninh được đưa ra nhằm đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về ưu thế công nghệ và lo ngại về khả năng tập trung sản xuất y tế ở Trung Quốc trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung cấp y tế do đại dịch Covid-19 mới gây ra.

Theo khảo sát, 42 trong số 96 công ty được hỏi, tương đương 44%, cho biết đã đa dạng hóa hoặc đang xem xét đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bằng cách chuyển sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Kyodo gần đây đã khảo sát khoảng 150 công ty niêm yết lớn tại Nhật Bản, trong đó 96 công ty đã trả lời về vấn đề này. Những công ty được hỏi bao gồm Canon, Toyota, KDDI, NEC, Kobe Steel và Mitsubishi Heavy Industries,…

Chỉ có 3 công ty được hỏi cho biết họ đã xác định và sẽ thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi Trung Quốc. Điều này cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với nhiều công ty Nhật Bản.

Trong khi Chính phủ Nhật Bản đang thúc giục các công ty chuyển cơ sở sản xuất về nước để tránh rủi ro liên quan đến Trung Quốc thì có 8 công ty được hỏi cho biết họ đã hoặc đang nghĩ đến việc làm như vậy.

Khoảng 60% cho biết, họ đang tiến hành đào tạo nội bộ hoặc xác định "các công nghệ quan trọng" của họ khi giao dịch với cả Mỹ và Trung Quốc để thực hiện các biện pháp chống rò rỉ thông tin.

Có 27%, tương đương 26 công ty, cho biết họ sẽ đặt ra những hạn chế đối với việc nghiên cứu chung với các đối tác có thể làm rò rỉ công nghệ.

Tổng cộng 57 công ty - tương đương 59% trong cuộc khảo sát cho biết, họ đã giới thiệu một hệ thống tập trung vào quyền con người trong hoạt động kinh doanh khi ngày càng nhiều công ty nỗ lực thực hiện các tiêu chuẩn xác định liệu sản phẩm của họ có được sản xuất trong điều kiện lao động cưỡng bức hay không.

Các doanh nghiệp đã bắt đầu hành động như vậy sau khi phát hiện các công ty đa quốc gia thực hiện các thỏa thuận với các nhà máy Trung Quốc bị nghi ngờ áp đặt lao động cưỡng bức đối với các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc.