Hơn 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký vào Thái Bình... trong 1 ngày!

(Dân trí) - Chỉ trong 1 buổi sáng hôm qua (8/4), đã có 33 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỷ đồng đầu tư vào Thái Bình, chủ yếu để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng cao, nuôi trồng thủy hải sản…

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình diễn ra sáng qua (8/4), đã diễn ra lễ trao các quyết định cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỷ đồng.

Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký trên 2.016 tỷ đồng; trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỷ đồng, chủ yếu để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng cao, nuôi trồng thủy hải sản…

Hội nghị cũng tiến hành trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án BT, BOT về xây dựng công trình đường giao thông với số vốn đăng ký 2.717 tỷ đồng.

Thủ tướng: Anh không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần (ảnh: VGP)
Thủ tướng: "Anh không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần" (ảnh: VGP)

Tiềm năng của nông nghiệp rất lớn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2016, điều ngoạn mục là trong khó khăn, ngành nông nghiệp xuất khẩu hơn 32 tỷ USD, xuất siêu 7,5 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam rất lớn.

Theo nhận định của lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường nông sản hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên những tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam. Phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn bởi với kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

Thủ tướng cũng cho rằng, để thành công trong nông nghiệp cần sự hiện diện, liên kết của 5 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng. Vai trò của 5 nhà đều quan trọng như nhau nhưng nhà doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam.

Nêu tầm nhìn về nông nghiệp tỉnh Thái Bình thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển; là tỉnh trù phú, giàu có dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp...

Thủ tướng cho rằng Thái Bình có sẵn các điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này như có trình độ thâm canh cao, hạ tầng nông nghiệp cơ bản, có 200 xã nông thôn mới, có 91 dự án với tổng vốn 3.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gần các trung tâm tiêu thụ lớn…

Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Thái Bình cần chuyển tư duy an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng, nghĩa là cả lương thực, thực phẩm, vitamin.

“Hay nói là nếu làm gạo thì gạo đó là gạo dược liệu, gạo vitamin”. Phải tạo cơ hội cho nông dân có sự lựa chọn sát hơn với thị trường, “anh không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, không chỉ có một số con sếu mà một đàn sếu rất đông để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.
Theo Thủ tướng, không chỉ có một số con sếu mà một đàn sếu rất đông để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.

Các vướng mắc về thể chế, chính sách sẽ được xử lý

Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện đất chật người đông, Thái Bình cần có phương thức hợp lý để nông dân không bị mất đất mà vẫn tạo ra sản xuất hàng hóa như cách làm trên.

Bên cạnh đó, Thái Bình cần mở rộng không gian phát triển hướng ra Biển Đông chứ không phải chỉ đứng trước biển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong đó đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản là một trong những trụ cột quan trọng.

Trong công tác phát triển hạ tầng giao thông nông thôn nói chung, Thủ tướng lưu ý không được để người dân đóng góp quá nhiều, ảnh hưởng đến đời sống.

“Chúng ta đã có những con sếu lớn, nhà đầu tư lớn ở Thái Bình hôm nay và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đặt vấn đề. Nhưng tôi đề nghị sau Hội nghị này, tỉnh Thái Bình cần tiếp tục tập trung thu hút được những doanh nghiệp có uy tín, có tiềm lực, có tâm huyết. Không chỉ có một số con sếu mà một đàn sếu rất đông để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thái Bình”, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng một hội nghị như hôm nay chưa đủ mà cần tiếp tục làm những công việc cần thiết tiếp theo để có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Thái Bình.

Với nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, cùng thắng với nông dân và các bên trong chuỗi giá trị sản xuất. Tập trung đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín, đặc biệt chú trọng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...

Các nhà đầu tư có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo đảm phát triển bền vững. Xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa. Thống nhất quan điểm 3 bên (nhà đầu tư, nhà nước và người dân) cùng thắng trong hoạt động kinh doanh

Về phía Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tập trung làm thể chế, pháp luật, cải cách hành chính tốt hơn trong phạm vi quốc gia. “Những vướng mắc về thể chế, chính sách mà quý vị phản ánh, Thủ tướng lắng nghe để cùng Chính phủ xử lý các vấn đề đặt ra”, Thủ tướng khẳng định. Chính phủ tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển.

Bích Diệp (lược ghi)