1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hơn 200.000 tỷ đồng đã được "bơm" ra lưu thông

(Dân trí) - Theo UBGSTC, trong năm 2012 đã có hơn 200.000 tỷ đồng được bơm ra trong lưu thông, nhưng do tác động của các chính sách thắt chặt, tổng cầu nền kinh tế yếu đã khiến lạm phát không bùng phát trở lại.

Kinh tế đã thoát đáy

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS), nền kinh tế Việt Nam đến nay đã thoát khỏi vùng đáy để vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, nhưng đà hồi phục chưa rõ ràng.

Những chỉ số kinh tế vĩ mô như sản xuất công nghiệp (11 tháng tăng 4,6% so cùng kỳ), hàng tồn kho (11 tháng tăng 20,9%) mặc dù có những chuyển biến tích cực so với những quý đầu năm, dù vậy, xu hướng cải thiện là yếu ớt và thiếu sự ổn định rõ nét.

Việt Nam năm nay bất ngờ nhận nguồn kiều hối vượt dự đoán, đạt khoảng 10-11 tỷ USD.
Việt Nam năm nay bất ngờ nhận nguồn kiều hối vượt dự đoán, đạt khoảng 10-11 tỷ USD.

Báo cáo của UBGS lưu ý, dù trong đang trong thời điểm cuối năm nhưng sức mua của hộ gia đình vẫn khá thận trọng, khiến tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm dần đáng lo ngại.

Cụ thể, 10 tháng, tổng mức bán lẻ tăng 17,9% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 16,4%. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, các mức tăng chỉ số này tháng 10, 11 lần lượt là 23,1% và 23,5% trước khi đạt định 24,2% vào tháng 12.

Những dấu hiệu trên, theo đánh giá của UBGS, cho thấy tổng cầu nền kinh tế dù đã được cải thiện nhưng chưa có động lực để bật lên mạnh mẽ.

Cơ quan này phân tích, do chính sách thắt chặt chi tiêu đầu tư công, cùng với đó là sự tắc nghẽn tín dụng đã khiến cầu đầu tư suy giảm mạnh.

Tuy nhiên, điểm lạc quan là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế Việt Nam vẫn có được sự bổ trợ ngoài dự đoán từ nguồn kiều hối và nguồn vốn đầu tư FDI được duy trì ổn định.

Theo dự báo hiện nay, nguồn kiều hối năm 2012 có thể đạt khoảng 10-11 tỷ USD, đã vượt cả mục tiêu đặt ra là 8-9 tỷ USD. Trong khi đó, 11 tháng 2012, vốn giải ngân FDI thực tế đã đạt 10 tỷ USD. Dự báo cả năm, mức giải ngân có thể đạt tương đương năm 2011 là 11 tỷ USD.

Những nhân tố này đã tạo nên đối trọng đáng kể giúp nguồn vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế năm 2012 không suy giảm quá sâu.

Ngoài ra, sự ổn định của tỷ giá, tốc độ tăng xuất khẩu đạt cao hơn khá nhiều so dự kiến (18% so 12-13%) được xem là những điểm sáng đáng kể nhất trong bức tranh khá ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam năm 2012, Ủy ban nhận định.

Lương, thưởng Tết khó kích cầu

Theo thống kê, trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,47% so tháng 10, tốc độ tăng đã chậm hơn hơn so với tháng trước đó (CPI tháng 10 tăng 0,85% so tháng 9).

UBGS tính toán, CPI lõi trong 3 tháng gần đây đang được giữ ổn định với mức khá tốt dao động quanh mức 1%. Riêng tại tháng CPI bất ngờ tăng "khủng" là tháng 9 thì nếu loại trừ yếu tố thời vụ do điều chỉnh phí giáo dcụ và giá dược phẩm, y tế thì cũng chỉ tăng 1,05% so tháng 8.

Ngoài nguyên nhân chính sách, UBGS cho rằng, trong nguyên nhân khiến CPI bị kìm lại có yếu tố suy giảm tổng cầu cùng với khả năng hấp thụ vốn kém.

"Do đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ khá lớn kể từ đầu năm tới nay (khoản 10 tỷ USD, tương đương với lượng ngoại tệ được NHNN mua vào năm 2007), có nghĩa là đã có hơn 200.000 tỷ đồng được 'bơm' ra trong lưu thông năm 2012 nhưng tình trạng lạm phát gia tăng đã không xảy ra tương tự như năm 2007" - theo UBGS.

Tính toán của cơ quan này cho thấy, những yếu tố mang tính chi phí đẩy làm gia tăng chỉ số CPI trong tháng cuối năm là không lớn.

Thậm chí, những yếu tính mang tính mùa vụ có thể kích giá tăng như việc người lao động được tăng thưởng tế dương lịch có thể kích cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp cuối năm, thì năm nay cũng không còn nhiều do sự sụt giảm lợi nhuận mạnh của đại đa số các doanh nghiệp.

Vì vậy, giả định CPI tháng 12 tăng khoảng 1% so với tháng 11 thì lạm phát cả năm sẽ vẫn ở dưới mức 8%.

Bích Diệp