Hơn 2 năm ông Hà Văn Thắm bị bắt, Ocean Group chật vật khoản lỗ gần 2.500 tỷ đồng
(Dân trí) - Sau hơn 2 năm ông Hà Văn Thắm bị bắt, đến nay, Ocean Group vẫn tiếp tục chìm trong thua lỗ. Đến cuối năm 2016, khoản lỗ lũy kế của công ty mẹ đã lên tới gần 2.500 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, dòng tiền âm và cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) vào diện kiểm soát kể từ ngày 21/4/2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 âm 1.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2016 âm 728 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 âm tới 2.479,7 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp có lỗ lũy kế lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Theo đó, cổ phiếu OGC sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch) kể từ ngày 21/4. Căn cứ giải trình của công ty, HoSE sẽ thông báo về việc cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.
Sau khoảng thời gian ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Ocean Group bị bắt hồi tháng 10/2014 cho tới nay, tập đoàn này liên tục báo cáo kết quả kinh doanh sa sút nặng nề.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Ocean Group sau khi kiểm toán, khoản lỗ ròng đã tăng thêm 817 triệu đồng lên gần 728 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần so với báo cáo tự lập đã giảm gần 13 tỷ đồng, còn 1.171 tỷ đồng.
Tại báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã nêu ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh tới nhiều vấn đề tại Ocean Group. Cụ thể, tại ngày 31/12/2016, công ty mẹ Ocean Group và công ty con Khách sạn và Dịch vụ Dại Dương (OCH) đang ghi nhận một số khoản trả trước cho người bán ngắn hạn, trả trước cho người bán dài hạn, các khoản phải thu ngắn hạn khác và khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác sau khi đã trích lập dự phòng với số tiền gần 468 tỷ đồng.
Phía kiểm toán thừa nhận, do không thu thập đầy đủ thông tin và tài liệu các giao dịch để đánh giá khả năng thu hồi cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập nên không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số dư khoản mục dự phòng cho các số liệu này hay không.
Giải trình về vấn đề này, Ocean Group cho biết, cả hai công ty vẫn đang thực hiện các biện pháp để đôn đốc, thu hồi các khoản hỗ trợ vốn này (đánh giá lại các khoản công nợ, thực hiện thủ tục đòi nợ và khởi kiện một số đối tác). Bên cạnh đó, Ocean Group còn thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản này.
Tương tự, khoản phải thu về cho vay với số tiền 799 tỷ đồng (bao gồm khoản hỗ trợ vốn ngắn hạn cho một số công ty, lãi dự thu tương ứng sau khi trích lập dự phòng và bù trừ công nợ, tài sản đảm bảo) và gần 416 tỷ đồng trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi với CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà tại công ty con CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long, cũng như khoản thu hồi chi phí đầu tư từ UBND tỉnh Quảng Ninh gần 32 tỷ đồng cũng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về giá trị có thể thu hồi.
Đơn vị kiểm toán cũng đã nhấn mạnh nhiều vấn đề trên báo cáo tài chính, trong đó, tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty mẹ Ocean Group.
Trong báo cáo giải trình, Ocean Group cho hay: Mặc dù có những yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty mẹ do tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn khoảng 529,6 tỷ đồng, số lỗ lũy kế của công ty mẹ đến ngày 31/12/2016 khoảng 2.271,3 tỷ đồng. Đồng thời, công ty có dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh.
"Tuy nhiên, công ty mẹ đang có chủ trương thoái vốn và chuyển nhượng ở một số dự án. Và công ty cũng đang tích cực thu hồi các khoản công nợ từ hỗ trợ vốn ngắn hạn cho đối tác và các khoản đã góp vốn vào các dự án đầu tư" - báo cáo giải trình của Ocean Group cho hay.
Chính vì vậy, tập đoàn này đánh giá, báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.
Bích Diệp