1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Hơn 100 dự án thủy điện đã bị loại bỏ”

(Dân trí) Bảo vệ thủy điện Sông Tranh 2, sự cố vỡ đập thủy điện Đăkrông 3, loại bỏ hàng trăm thủy điện nhỏ, xóa bỏ độc quyền điện của EVN… là những vấn đề được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong báo cáo về việc thực hiện lời hứa trước QH.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 3.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 3.
 
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên sẽ đăng đàn trong phiên chất vấn bắt đầu sáng thứ 2 tuần tới (ngày 12/11/2012). Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “ngồi ghế nóng”. Báo cáo về việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội sau phiên trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 3 của ông Hoàng đã được gửi tới các đại biểu.

Trước hết, vấn đề thủy điện, Bộ trưởng Công thương cho biết, đến thời điểm này đã hoàn thành việc kiểm định với 22/66 thủy điện đến thời hạn, kết quả đều an toàn. Tuy nhiên, quá nửa trong số công trình đến hạn (37 thủy điện) vẫn chưa kiểm định được, trong đó có 7 thủy điện công suất lớn hơn 30MW.

Thủy điện Sông Tranh 2 sau sự cố thấm nước và giai đoạn phải chịu động đất liên tiếp vừa qua, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê Tư vấn độc lập của Thụy sĩ (AF-Colenco) đánh giá mức độ an toàn, ổn định đập. Kết quả kiểm tra đánh giá khẳng định đập an toàn.

Về sự cố vỡ đập thủy điện Đăkrông 3, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo, theo kế , đáng ra đập tràn phải hoàn thiện đạt cao trình 121 mét trước mùa lũ năm 2012. Nhưng do chậm tiến độ nên hiện còn 3 khoang tràn tiếp giáp với đập dâng mới xây dựng đến cao trình 115 mét.

Kiểm tra thực tế sự cố ngày 7/10 vừa qua, ông Hoàng cho biết không phải là vỡ đập mà là vỡ tường chắn tạm. Tường này không có trong thiết kế, chủ đầu tư cho xây tạm lên để tích nước nghiệm thu thiết bị do nhà cung cấp nước ngoài cung cấp. Tường tạm sau này sẽ bị phá bỏ. Việc vỡ tường chắn tạm không ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Về việc rà soát chung hệ thống thủy điện theo lời hứa với Quốc hội, cử tri sau chất vấn, Bộ trưởng Công thương cho biết, từ cuối năm 2009 đến nay, UBND các tỉnh đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 107 dự án và không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 156 vị trí có tiềm năng khai thác thủy điện.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước còn lại tổng số 1.114 công trình và dự án thủy điện, trong đó có 110 dự án thủy điện quy mô vừa và lớn, 1.004 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

239 thủy điện hiện đã hoàn thành, vận hành; 217 dự án đang thi công, sẽ đưa vào vận hành từ nay đến 2017 và 309 dự án khác đang được nghiên cứu lập đầu tư, dự kiến xây dựng dần cho tới 2020. Còn lại 349 dự án chưa có chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm.

Cũng về vấn đề điện, lộ trình xóa bỏ độc quyền đối với lĩnh vực điện năng được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình là, thị trường phát điện cạnh đã chính thức vận hành từ ngày 1/7/ 2012. Song song với việc này, Bộ Công Thương đã và đang chuẩn bị xây dựng và vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh, và nghiên cứu các giải pháp để đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Cụ thể, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực sẽ cơ bản hoàn thiện trong năm 2013, để đảm bảo vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện vào năm 2015.

Bộ trưởng Hoàng tự tin với nhận định, có thể giảm được thời gian vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện từ 2 năm (theo lộ trình) xuống còn 1 năm để đến năm 2016 bắt đầu triển khai thị trường bán buôn chính thức.

Bộ Công thương cũng tin tưởng vào kế hoạch sẽ trình Chính phủ xem xét, đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành từ năm 2015, và vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2020, sớm 2 năm so với lộ trình đã được duyệt.

Đối với tiến độ và các vấn đề trong các dự án bô-xit ở Tây Nguyên, người đứng đầu ngành Công thương thông tin, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa qua đã tính toán lại tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế của dự án nhà máy alumin Nhân Cơ, đã báo cáo Bộ.

Tuy nhiên, do có một số cơ chế chính sách về thuế, phí chưa phù hợp nên kết quả tính toán không phản ánh khách quan hiệu quả kinh tế của dự án. Bộ Công Thương đang chỉ đạo TKV kiểm tra, tính toán lại hiệu quả dự án để báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết trong tháng 11/2012 sẽ chạy thử có tải toàn bộ dây chuyền nhà máy alumin Tân Rai với thời gian chạy thử và hiệu chỉnh dây chuyền khoảng ba tháng. Nếu thuận lợi thì tháng 3/2013 đưa vào sản xuất chính thức.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm