Kon Tum:

“Hồi sinh” vùng đất đồi bằng trồng dưa lưới công nghệ cao

(Dân trí) - Một nhóm bạn trẻ ở TP.Kon Tum đã góp phần hồi sinh vùng đất đồi tại địa bàn xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) bằng mô hình trồng dưa lưới, đem lại thu nhập cao mỗi năm.

Nằm bên Quốc lộ 24, đoạn thuộc địa bàn làng KonDơNăng (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) là một vùng đồi đất hoang hóa. Từ khi có bàn tay của những chàng thanh niên, vùng đất ấy đã được san ủi mặt bằng, mọc lên những dãy nhà màng khang trang của nông trại Brosfarm.

Brosfarm, viết tắt theo tiếng Anh nghĩa là “nông trại của những người anh em”. Cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này được ra đời, nhờ sự kết hợp của ba chàng trai cùng độ tuổi 33-34. Một người là thạc sĩ lâm nghiệp, một là kỹ sư điện tử và một là kỹ sư xây dựng. Mỗi người một công việc, ngành nghề khác nhau nhưng có chung niềm đam mê sản xuất nông nghiệp.

“Hồi sinh” vùng đất đồi bằng trồng dưa lưới công nghệ cao - 1
Nhà màng trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Anh Trần Anh Phương (một trong số thành niên nông trại Brosfarm) kể, từ năm 2017, anh em trong nhóm đã cất công đi thăm, tìm hiểu nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Kết quả khảo sát kỹ thực tế tại một nông trại ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã đem đến cho ba chàng trai chung chí hướng cái bắt tay rất chặt, hạ quyết đầu tư gây dựng nông trại ứng dụng công nghệ cao quy mô hộ gia đình, tại vùng đất khô ráo, nhiều nắng Kon Rẫy.

Khoảng tháng 9/2019, các chàng trai đã biến ước mơ của mình thành hiện thực. Đầu tiên, mỗi thành viên của nhóm chủ động đi tìm nguồn từ vốn vay ngân hàng, vốn tích lũy. Sau đó, họ đã tiến hành san ủi mặt bằng để dựng nên dãy nhà màng rộng khoảng 5.000 m2, mỗi gian 1.000 m2. Chỉ riêng mạng lưới nhà màng, hệ thống điện, nước và một số hạng mục hạ tầng cơ bản…đã “ngốn” hơn 2 tỷ đồng. Chưa kể, việc trồng dưa lưới quy mô hộ sản xuất này là mô hình đầu tiên được đưa vào địa bàn huyện Kon Rẫy nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung; nên nếu “sai một ly”, sẽ “đi một dặm”, khiến mỗi thành viên đều phải đối mặt với áp lực không hề nhỏ. Vì vậy, yêu cầu kỹ thuật chính là nội dung quan trọng được đặt ra, mang tính quyết định đến kết quả triển khai dự án.

“Hồi sinh” vùng đất đồi bằng trồng dưa lưới công nghệ cao - 2
Trồng, chăm sóc dưa lưới theo quy trình kỹ thuật

Quy trình kỹ thuật từ ươm cây giống dưa lưới, sử dụng giá thể phù hợp để trồng vào bầu, đến áp dụng tưới nhỏ giọt bằng hệ thống tự động theo công nghệ của Israel, hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc cây… đều được đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt. Không những chỉ dùng phân bón vi sinh, mà việc phòng trừ sâu bệnh cũng chỉ bằng các loại thảo dược hay từ tinh chất chiết xuất tự nhiên.

Đặc biệt, cây dưa lưới được áp dụng kỹ thuật thụ phấn bằng ong. Chỉ với vài thùng ong mật được chuẩn bị kỹ, đến giai đoạn hoa nở rộ, đã có thể tập trung thả ong ra trong vài ngày là đảm bảo thụ phấn toàn bộ diện tích, đạt chất lượng cao. Mỗi cây dưa lưới đậu 4-5 quả, song chỉ giữ lại 1 quả để phát triển một cách tốt nhất.

Bắt tay vào trồng lứa dưa lưới trong nhà màng đầu tiên vào tháng 12/2019, đến nay, Brosfarm đã có sản phẩm thu hoạch. Qua nhiều đợt thu hái, năng suất đều đạt 2,5-3 tấn quả/1.000m2.

“Hồi sinh” vùng đất đồi bằng trồng dưa lưới công nghệ cao - 3

Thời kỳ dưa lưới ra hoa được thụ phấn bằng loài ong

Nhờ xuống giống theo hình thức gối đầu, mỗi lứa cách nhau từ 15 đến 20 ngày, nên trong các gian nhà lưới của nông trại thường cùng lúc vừa có diện tích mới thu hoạch, cây sắp cho thu hái, cây ra hoa, cây thời kỳ đầu sinh trưởng. Bằng cách này, sản phẩm làm ra không ồ ạt, mà được giãn cách thời gian thu hoạch nên chủ động được đầu ra phục vụ người tiêu dùng.

Dưa lưới thương hiệu Brosfarm không chỉ được tiêu thụ thông qua hệ thống quầy, cửa hàng trái cây và qua liên hệ cung ứng trên Facebook, Zalo tại địa bàn tỉnh Kon Tum, mà còn được đặt hàng từ các tỉnh lân cận. Nhờ đó, mục tiêu năm 2020, sản xuất, cung ứng khoảng 70 tấn dưa lưới, doanh thu hơn 2 tỷ đồng của nông trại, trong điều kiện giá cả ổn định như hiện nay là hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Từ hạt giống dưa lưới của Thái Lan, Malaysia, nông trại cũng chuyển sang dùng giống Nhật bản, để lựa chọn cây giống phù hợp, thích ứng với điều kiện sản xuất thực tế của trang trại và mang lại năng suất, chất lượng tốt nhất.

“Quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch dưa lưới đang được chúng tôi hoàn thiện theo tiêu chuẩn quy định, làm cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất trong giai đoạn 2 với quy mô lớn hơn. Đảm bảo thị trường tiêu thụ trong nước cũng là nền tảng để xây dựng thành công thương hiệu Brosfarm và hướng tới xuất khẩu sản phẩm sạch trong những năm tới.”, anh Trần Anh Phương chia sẻ.

Khởi đầu với quy mô không lớn, nhưng đáng kể là bên cạnh kết quả ban đầu đã gặt hái được trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông trại trồng dưa lưới trên đất đồi này đã làm chủ các điều kiện sản xuất hiện đại. Trong đó, nỗ lực để được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và hiện cũng đã áp dụng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chính là sự bảo chứng “đường dài” cho sự phát triển của Brosfarm.

Nghĩa Hà