Nghệ An:

Hồi sinh đàn cá đặc sản trên dòng Chà Lạp

(Dân trí) - Trước nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản ở địa phương, chính quyền xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An đã xây dựng và triển khai đề án bảo tồn các giống cá khe suối.

Trong đó, chủ yếu là cá mát, thứ đặc sản nức tiếng ở miền Tây xứ Nghệ. Đến nay, đàn cá đã được hồi sinh trở lại trong niềm hân hoan, tự hào của người dân nơi đây.

Hồi sinh đàn cá đặc sản trên dòng Chà Lạp - 1

Những biển cấm đánh bắt cá được UBND xã Tam Hợp dựng sát bờ suối Chà Lạp.

Suối Chà Lạp bắt nguồn từ nước bạn Lào, đoạn chảy qua xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) dài gần 30km. Từ xưa đến nay, Chà Lạp được coi là “đại bản doanh” của những chú cá mát cũng như nhiều loại cá khác. Suối còn là nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, là nơi cung cấp thực phẩm nuôi dưỡng đồng bào nơi đây. 

Lang thang dọc suối Chà Lạp, chúng tôi gặp ông Lương Duy Khánh, ở bản Xốp Nậm, xã Tam Hợp. Ông Khánh là người sống ở vùng này đã nhiều năm và kinh qua nhiều chức vụ ở xã Tam Hợp. Sau khi nghỉ hưu, ông về làm Bí thư Chi bộ bản Xốp Nậm. Ông được nhiều người gán cho cái tên “rái cá suối Chà Lạp”.

Hồi sinh đàn cá đặc sản trên dòng Chà Lạp - 2

Nhiều bạn trẻ thích thú đến tham quan, xuống suối tắm và chụp ảnh cá mát ở suối Chà Lạp. 

Ông Khánh kể, những năm 70-80 của thế kỷ trước, khu vực này là vùng “đất lành chim đậu” nên nhiều người vào sinh sống lập bản ở đây. Cuộc sống kinh tế chủ yếu dựa vào việc bắt cá mát ở suối Chà Lạp và thu hái sản vật của rừng núi. Khi đó, người dân săn bắt cá mát về rồi họ kẹp thành từng gắp 4 con, nướng lên rồi mang đi bán hoặc đổi lấy những nhu yếu phẩm khác của người dân ở thị trấn Hòa Bình. Ông Khánh kể vanh vách, thói quen ăn, di chuyển, chu kỳ sinh nở, các món ăn chế biến từ cá mát.

“Rái cá suối Chà Lạp” hào hứng kể: Cá mát có 2 thỏi trứng hai bên lườn, trứng nhỏ như hạt kê. Cá đẻ mỗi năm 1 lứa vào mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, mỗi lần đẻ trứng nở cả ngàn con. Cá lớn nhanh, 6 tháng tuổi đã bằng ngón tay cái. Nếu được bảo vệ tốt, cá có thể lớn trên nửa cân 1 con. Cá mát chỉ ăn rong, rêu. Hàm dưới cứng, sắc nên khi ăn, cá chỉ cần lượn mình sát các hòn đá ở dưới dòng nước chảy, cạp mạnh khiến cho đá suối có nhiều vết nhỏ màu trắng.

Người Thái chế biến cá mát thơm ngon nức tiếng, có thể kể đến là món nướng giòn chấm chẻo muối ớt mạc khèn - tức muối trắng, ớt cay xanh và mạc khẻn (tiêu rừng) rang lên cho thật thơm rồi giã nhuyễn. Ngoài ra còn chế biến món canh rau rừng với cá mát để nguyên ruột, ăn món này có vị đắng ngọt rất đặc trưng. Ngoài ra, người Thái cũng thường chế biến món “hỏ mọc” hoặc “hỏ cà nạp” truyền thống của đồng bào các huyện vùng cao.

Thế nhưng, do những năm trước người dân đánh bắt quá mức theo hình thức “tận diệt” bằng các phương tiện như kích điện hoặc nổ mìn khiến cho cá mát gần như cạn kiệt, khe suối gần như vắng bóng loại cá đặc sản này. Người dân trong bản muốn xuống suối kiếm cá mát cũng như một số loại cá khác cũng trở nên rất khó khăn…

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồi lợi thủy sản, đặc biệt là loại cá mát, tháng 12/2018, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Đề án quy định những phương tiện, ngư cụ được phép sử dụng khai thác thủy sản phải theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ NN&PTNT.

Theo đó, nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Tam Hợp sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Đối với các hộ dân trong địa bàn xã, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định như: dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính. Ngoài ra, các bản thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể. Tất cả các khu vực trên đều được cắm biển báo cho người dân được biết.

Hồi sinh đàn cá đặc sản trên dòng Chà Lạp - 3

Cá mát món ăn đặc sản ở miền Tây xứ Nghệ.

Trên lý thuyết của đề án là vậy. Thế nhưng, theo lời kể của những cán bộ xã Tam Hợp, xung quanh việc vận động người dân thực hiện đề án này lại có nhiều khó khăn cùng với những câu chuyện khá thú vị…

Như trường hợp của ông Viêng Văn Hợi, năm nay gần 60 tuổi, khi chưa uống rượu, ông còn phân biệt những đoạn suối nào cấm bắt cá, đoạn nào được phép bắt. Nhưng khi đã uống rượu vào, bạn bè đồng niên chén chú chén anh cược nhau bắt cá hoặc dở cuộc rượu thiếu mồi uống là ông xách chài ra suối quăng bừa. Cán bộ bản nhắc nhở nhiều lần nhưng ông vẫn không từ bỏ thói quen này. Ban quản lý bản đã phải tịch thu hết các phương tiện “hành nghề”, từ đó, ông mới chấp hành theo quy định.

Bản Huồi Sơn là bản người dân tộc Mông, nhận thức về việc thực hiện đề án của nhiều người dân còn hạn chế. Cán bộ xã được giao đi tuyên truyền cho người dân nhưng vốn tiếng Mông ít nên rất khó khăn trong thuyết phục bà con. Do vậy, xã giao Ban quản lý bản theo sát những người không chấp hành.

Trong bản có anh Hờ Bá Thái thấy xã dựng biển cấm bắt cá, anh ta đã lấy đá đi đập móp tấm biển cấm và xô ngã xuống suối. Trưởng bản Sùng Bá Lỳ điện thoại rồi gặp để thuyết phục nhưng không xong.

Hồi sinh đàn cá đặc sản trên dòng Chà Lạp - 4
Hồi sinh đàn cá đặc sản trên dòng Chà Lạp - 5

Cá mát là đặc sản đặc trưng của các khe suối ở miền Tây xứ Nghệ.

Xã mời lên để xử phạt tiền thì anh thách thức vì tiền bán cá được nhiều hơn số tiền phải nộp phạt. Tuy nhiên, thời gian sau, Hờ Bá Thái đã mua rượu đến nhà cán bộ bản mời uống và giải thích rằng, do chưa hiểu hết, lại bị bạn bè hay rủ rê nhậu nên làm sai. Từ đó, anh Thái không những chấp hành nghiêm mà còn quan tâm bảo vệ nguồn cá suối. 

Thú vị nhất là việc vận động anh Vi Văn Hải, ở bản Xốp Nậm. Hải là người khó thuyết phục nhất vì anh vừa bị câm, vừa lãng tai nhưng lại rất “sát cá”. Xã cử người đi theo dõi “hành tung” của anh Hải đề ngăn chặn hành vi bắt cá trái quy định. Những ngày đầu rất vất vả, Hải vác chài đi ra khỏi nhà là có người bám theo để giải thích nhưng Hải không hiểu vì “ngôn ngữ, cử chỉ” bất đồng.

Sau 20 ngày không có kết quả, cán bộ bản phải dắt anh Hải đi chỉ từng đoạn suối cho phép bắt và những đoạn cấm, theo từng ký hiệu riêng biệt mà chỉ có 2 người mới hiểu. Hỏi ra mới biết, đoạn nào cán bộ lội xuống suối rồi giơ 2 tay song song trước ngực như bị trói là đoạn cấm đánh bắt; đoạn được phép bắt thì vung 2 tay lên không trung như động tác quăng chài.

Hồi sinh đàn cá đặc sản trên dòng Chà Lạp - 6

Điểm dừng chân tham quan xem cá mát.

Ông Dương Phi Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp kể lại, ngoài việc người dân trong xã khai thác quá mức làm cho nguồn cá cạn kiệt thì một thời gian dài, người ngoài địa phương cũng tràn vào địa bàn để bắt cá. Nhiều đêm đèn soi bắt cá nhiều như đom đóm. Phương tiện đánh bắt đủ loại, lưới chài, bắt tay, thậm chí xung điện, mạnh ai người đó săn bắt. Tuy đề án ra đời, nhưng nhận thức người dân vẫn còn hạn chế, tư duy khai thác tự phát còn cao. Lúc đầu thực hiện đề án, nhiều người không hiểu đã chống đối, sau những nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí có các chế tài mạnh tay, nhận thức người dân dần thay đổi.

Sau hơn 1 năm thực hiện đề án, hiện nay, người dân trên địa bàn đã tự giám sát và đẩy đuổi những người ở địa phương khác đến đánh bắt cá. Đàn cá mát theo dòng nước lại về trên dòng Chà Lạp sinh sôi. Dọc suối Chà Lạp những đoạn cấm đánh bắt cá phát triển rất nhanh, mỗi mét vuông mặt nước ước khoảng trên 20 con. Không những cá mát mà các loại cá bọp, cá lăng, cá lệch… cũng hồi sinh, sống chiếm lĩnh nhiều hang, ngách đá dọc bờ suối.

Giữa trưa, rời xã Tam Hợp, chúng tôi đi qua ngã ba suối Chà Lạp ở khu vực trung tâm xã, dưới dòng nước suối trong xanh, hàng đàn cá mát đang ngược dòng như những con thoi lật mình cạp rêu đá ngửa bụng trắng phau, loáng ánh bạc giữa dòng nước trong veo, nhìn rất vui mắt, thú vị.

Anh Dương Phi Thanh, Phó Chủ tịch xã Tam Hợp nhìn đàn cá mát phấn khởi nói với chúng tôi: "Nơi đây, cá mát ngày càng nhiều, cuối buổi chiều nhiều người trong bản ra đây vui chơi và để ngắm cá. Mùa hè, những ngày đẹp trời người dân ở các xã lân cận, nhất là các bạn trẻ thường đi hàng mấy chục cây số chỉ để “phượt” vào ngắm cá mát trên dòng Chà Lạp".

Duy Tiệp