1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hội chứng "xin" của tập đoàn

Các tập đoàn liên tiếp có văn bản xin hỗ trợ từ Chính phủ với nhiều lý do. Tuy nhiên, trong khi kinh tế khó khăn, ngân sách phải có kéo mà vẫn khó để tăng lương theo lộ trình thì việc xin của các tập đoàn lại gây thêm sức ép cho ngân sách.

Xin từ vốn, thuế... đến phí
 
Xin từ vốn, thuế... đến phí

Vụ "xin" gần đây nhất là của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo đó, trong một văn bản gửi tới Bộ Tài chính, PVN đã xin được miễn các khoản thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ nhân viên công tác đi học tập ở nước ngoài. Đó là tiền thuê nhà ở nước sở tại, phí hành lý quá cước, học phí cho con đi học, trợ cấp một lần khi chuyển vùng. Nếu không được, PVN xin được trả thay phần thuế này cho cán bộ công nhân viên nhưng sau đó, xin được tính vào chi phí hợp lý của DN để trừ vào thu nhập chịu thuế.

Chưa hết, sau khi ứng vốn lên tới 2.900 tỷ cho các địa phương, bộ ngành triển khai dự án hợp tác, PVN lại xin Chính phủ hỗ trợ các địa phương hoàn trả tiền cho mình.

Theo một thống kê mới đây, lương trung bình cán bộ ở đây cao nhất trong số các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước, hơn 17 triệu đồng/tháng và khoản chi phí hỗ trợ này cũng đã là một ưu đãi đối với người làm ở PVN.

Từ câu chuyện của PVN nhớ lại câu chuyện cách đây mấy năm của EVN. Hồi năm 2007, EVN đã gây choáng trong dư luận khi xin Bộ Tài chính cho phép được trích thưởng một mức khổng lồ dù trước đó, liên tục kêu ca thiếu hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư điện, phải tăng giá điện. Thậm chí, vì thiếu vốn, EVN còn phải trả lại Chính phủ 13 dự án nhiệt điện, khiến Chính phủ phải "phân bổ" lại cho các Tập đoàn năng lượng khác cùng "gánh vác".

Khi đó, với khoản lợi nhuận trước thuế 3.842 tỷ đồng, EVN đã có tới 2.763 tỷ đồng tiền dôi ra do chênh lệch giá điện. Trong số này, EVN đã xin Bộ Tài chính 1.002 tỷ đồng để làm tiền thưởng cán bộ nhân viên, trích vào Quỹ khen thưởng phúc lợi.

Tất nhiên, việc này đã không được chấp nhận. Chính phủ đã yêu cầu EVN làm đúng nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, trích vào các Quỹ dự phòng, tài chính khác, và giảm mức thưởng cho cán bộ nhân viên.

Một trường hợp xin khác liên quan đến Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam nhưng lại được Hiệp hội Năng lượng lên tiếng hộ. Cuối tháng 10 vừa qua, sau khi kêu khó cho 3 trụ cột TKV, EVN, PVN, Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã trình Thủ tướng liệt kê một loạt những điều cần giúp.

Ví dụ, với TKV, sau hơn 1 tháng được giảm thuế xuất khẩu, Hiệp hội Năng lượng đã thẳng thừng nói rằng: "Thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 10%, 15% và vừa qua lên 20%. Mặc dù hiện nay Chính phủ đã giảm xuống còn 10% như vậy vẫn cao so với các nước trong khu vực và đặc biệt so với những khó khăn mà ngành than đang gặp phải".

Vì vậy, Chính phủ cần giảm kịp thời một số loại thuế và các loại phí để tạo điều kiện cho ngành than sản xuất kinh doanh không bị lỗ, tiến tới có lãi để có khả năng tích lũy vốn đầu tư phát triển.

Liên quan đến vốn đầu tư, Hiệp hội này nêu: "Trước mắt để thực hiện quyết định Chính phủ giao cho ngành than từ nay tới năm 2015 phải đầu tư xây dựng 28 mỏ mới công suất, mỗi mỏ từ 2 triệu đến 2,5 triệu tấn/năm, đồng thời cải tạo và mở rộng 61 mỏ cũ, thì ngành than phải có hàng chục tỷ USD. Hiện tại ngành than không đủ vốn, kể cả vốn đối ứng để đi vay."

Và Hiệp hội này cho rằng, cần xem xét có cơ chế chính sách và các giải pháp thích hợp để tạo số vốn nêu trên cho ngành than đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, trong đề án "giải cứu" cho doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ gần đây của Bộ Công thương, thì rất nhiều giải pháp chỉ tập trung giúp cho các Tập đoàn, DN trong ngành. Bộ này cũng xin một loạt cơ chế ưu đãi về vốn vay, về thuế cho Tổng công ty Thép, Hóa chất, Giấy, EVN, TKV, ... và xin cho từng dự án cụ thể trong ngành.

Tư duy bao cấp

Chia sẻ với VietnamNet, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bức xúc nói: "Tất cả những diễn biến đó cho thấy Tập đoàn chưa thoát khỏi tư duy muốn kéo dài sự bao cấp của Nhà nước".

"Lẽ ra thay vì chia sẻ với Nhà nước, người dân, Chính phủ, với nỗi lo đang phải cứu hàng loạt DN nhỏ và vừa trước nguy cơ giải thể, đóng cửa thì các Tập đoàn làm điều ngược lại", bà Lan giãi bày.

Theo bà Lan phân tích, ngân sách Nhà nước có hạn, năm nay bị ảnh hưởng do nhiều DN đóng cửa, ngừng hoạt động. Tình cảnh khó đến mức, Bộ Tài chính còn phải xin hoãn tăng lương cho công chức, Chính phủ phải co kéo tính toán để đảm bảo lộ trình cải cách tiền lương tối thiểu.

Những đề nghị 'xin ưu đãi" trên lại đều xuất phát từ những Tập đoàn có thu nhập cao, nhiều ưu đãi, được cấp vốn từ ngân sách và đặc biệt, hoạt động dựa trên chủ yếu là khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia.

"Nguyên nhân của căn bệnh này chính là do độc quyền kéo dài. Thiếu sức ép cạnh tranh nên mỗi lần gặp khó, các Tập đoàn lại kêu ca xin giúp và đòi trì hoãn các lộ trình theo thị trường. Nếu có cạnh tranh thực sự, tôi tin là không vị DN nào dám xin nhiều đến thế", bà Phạm Chi Lan nói.

Trong khi đó, tại một trao đổi gần đây, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính trả lời VietnamNet cho hay,, đang tồn tại nhiều sự bất bình đẳng giữa các Tập đoàn, DNNN và DN tư nhân khác. Bởi vì, vốn nhà nước lo, lợi tức DN hưởng.

Ông cho hay: "Vốn chủ sở hữu trong DNNN và các tập đoàn khá lớn, hiện là 653.000 tỷ đồng. Nếu ở khu vực ngoài nhà nước, khi DN sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư thì DN sẽ bị sức ép của lãi suất đầu tư. Nhưng hiện nay, toàn bộ lợi tức sau thuế của 653.000 tỷ này theo cơ chế của chúng ta là để lại cho DN để tái đầu tư. Có những năm, lợi tức Nhà nước để lại gần 100.000 tỷ đồng".

Rõ ràng khi sử dụng vốn nhà nước, chủ DNNN không bị sức ép về chi phí vốn, đồng thời hàng năm anh được bổ sung một nguồn tài chính không có lãi suất.Khi không có sự bình đẳng thì sẽ không tạo ra một áp lực để buộc DNNN phải vươn lên cho hiệu quả.
 
Theo Phạm Huyền
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm