1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng Trung Quốc - những gọng kìm bọc nhung:

Hội chợ và nghệ thuật “cứu doanh nghiệp”

Người Trung Quốc bị hạn chế đi vào khu vực triển lãm, trong khi khách Việt Nam được chào đón nồng nhiệt. Hội chợ hàng xuất khẩu thuộc loại lớn nhất thế giới ở Quảng Đông đón khách bằng câu chuyện lạ lùng của chính sách thúc đẩy thị trường nội địa.

Hội chợ và nghệ thuật “cứu doanh nghiệp” - 1
Hàng Trung Quốc về tới chợ Bình Tây (ảnh: SGTT).

Toàn bộ khách sạn ở Quảng Châu đồng loạt tăng giá 300% trong dịp hội chợ, bởi lượng người đổ về thành phố thương mại này lớn hơn bao giờ hết: 165.436 khách tham dự chính thức đến từ 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng tá những dịch vụ ăn theo phiên chợ hàng xuất khẩu này cũng tấp nập hẳn lên.

“Giao điểm thương mại toàn cầu”

Hội chợ hàng xuất khẩu Trung Quốc (hội chợ Quảng Đông 15/4 - 7/5) được xem là một trong những hội chợ có quy mô lớn nhất thế giới hiện nay với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu hàng Trung Quốc.

Mùa suy thoái, hội chợ dù đã đẩy mạnh hàng loạt chương trình truyền thông, gởi thư mời khắp nơi nhưng vẫn giảm gần 10.000 khách tham quan so với năm trước.

Tuy nhiên, năm 2009 đánh dấu bước chuyển đổi của cơ cấu xuất khẩu Trung Quốc: khu vực EU, Trung Đông và Mỹ giảm mạnh, trong lúc những thị trường mới nổi như Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á tăng nhanh.

Đại diện thương mại của tập đoàn bánh kẹo Zhenmei Quảng Châu Nabin Shrestha nồng nhiệt: “Chúng tôi rất mong tìm kiếm những đối tác đến từ Việt Nam. Tôi biết các bạn có một thị trường tuyệt vời…”.

Cô thoăn thoắt giới thiệu, thoăn thoắt lấy hàng mẫu và khoe ngay với các đồng nghiệp xung quanh: “Đây là khách hàng Việt Nam của mình”. Cùng một kiểu cách ân cần đó, là giám đốc hãng túi xách Mộc Lâm.

Ông chìa cái giỏ da rất đẹp ra và giải thích: “Cái này dùng da loại tốt nhất nên có giá 60 USD. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu thị trường Việt Nam sẽ chuộng loại khác, nên sẽ sản xuất loại có mẫu y chang như vầy nhưng với giá 6 USD.

Còn nhãn hiệu thì muốn chọn loại nào cũng được” - “Tôi muốn ghi nhãn Made in Vietnam có được không?” - “Tất nhiên là được rồi, tôi cũng có một khách hàng đồng hương của anh chọn phương án này”…

Điều này làm gợi nhớ rất nhiều sự cố máy móc, thiết bị được trúng thầu tại Việt Nam với nhiều xuất xứ sang trọng nhưng sau đó vỡ lở ra nguồn gốc thực tế đều là hàng Trung Quốc. Thế nhưng, những sản phẩm này vẫn đang thuyết phục nhiều nhà kinh doanh Việt Nam xông pha trong hội chợ, bởi nó đem lại lợi nhuận lớn.

Một vị khách Việt Nam không nói được tiếng Hoa, lúng túng với tiếng Anh đang cố gắng đặt một lô hàng thiết bị y tế công cộng đã phải nhờ chúng tôi phiên dịch giúp.

Tại hội chợ, gần như tất cả mọi thứ hàng trên cuộc đời đều có mặt, tất cả công nghệ đều được giới thiệu. Hàng Trung Quốc đang thay đổi: không còn giá rẻ chất lượng kém nữa, mà là giá vừa chất lượng tốt. Chẳng thế mà có ít nhất 12 công ty Việt Nam thực hiện tour đưa khách đi hội chợ.

Ứng cứu nền sản xuất Trung Quốc

Tại phòng họp báo ở hội chợ, những viên chức cấp cao khá dè dặt trong việc cung cấp thông tin về chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Huo Jianguo, Chủ tịch phòng Thương mại hỗ trợ xuất nhập khẩu thực phẩm - nông sản cho biết: “Chúng tôi giảm nhiều trong xuất khẩu. Chính phủ đã đề ra những chính sách cấp thời như giảm thuế xuất khẩu của một số nông sản, giảm hoặc bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu của một số mặt hàng ngũ cốc…”.

Quả thật, đi dọc 300 gian hàng của khu vực nông sản - thực phẩm, sẽ nhận ra kết quả bước đầu của kế hoạch hỗ trợ tài chính cho “nông nghiệp, nông dân và các vùng nông thôn”. Khoảng 700 tỉ nhân dân tệ đã được đầu tư để hỗ trợ cho việc xây dựng nền nông nghiệp.

Thêm vào đó là việc thắt chặt các đạo luật về an toàn thực phẩm cùng với việc hạ giá bán trong nước của một số nông sản đã giúp giảm nhẹ các lệnh cấm từ thị trường thế giới. Định hướng thúc đẩy xuất khẩu nông sản Trung Quốc là: làm cho thế giới thấy những điểm riêng biệt và vượt trội của nông sản Trung Quốc thông qua các dịch vụ kèm theo và công nghệ sản xuất.

Sau những sự cố về vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm xảy đến cho các sản phẩm Trung Quốc, các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện hệ thống phân tích rủi ro, theo dõi chất lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng thương mại điện tử…

“Bên cạnh đó, chúng tôi còn áp dụng hệ thống eBASE của Nhật - hệ thống CRM mã nguồn mở, nhằm giúp các doanh nghiệp thực phẩm Trung Quốc tiếp cận với các doanh nghiệp Nhật, qua đó học hỏi kinh nghiệm của họ về xây dựng hệ thống phân phối và cung cấp, hệ thống an toàn…” - vừa cầm chai nước lựu, ông Huo Jianguo vừa khẳng định thêm về khả năng ứng phó với những rủi ro an toàn thực phẩm nước này.

Ông Wang Shenyang, Chủ tịch phòng Thương mại hỗ trợ xuất nhập khẩu ngành dệt may nói thêm: “Với sự hỗ trợ từ các chính sách, rất nhiều các doanh nghiệp dệt may đang tiến hành các cải tổ, thay đổi đường lối phát triển và nêu bật khía cạnh kỹ thuật của các sản phẩm và dịch vụ nhằm giữ khách hàng.

Một tập hợp các thương hiệu 256 doanh nghiệp cùng với các nhãn hàng được sự hỗ trợ đặc biệt từ bộ Thương mại sẽ đóng vai trò đầu tàu, làm hình mẫu cho cả ngành dệt may đang lao đao”.

Treo rất to khẩu hiệu của Trung Quốc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quay lại thị trường nội địa sau sự sụt giảm của các đơn hàng gia công - xuất khẩu: “định vị, dẫn đường, tư vấn và dịch vụ”, ông Wang cho rằng giải pháp tìm kiếm thị trường mới đang là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức này.

“Một mặt, chúng tôi cấp nhiều loại dịch vụ thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, hướng dẫn họ nâng cao chất lượng sản phẩm và thay đổi hình thức phát triển xuất khẩu của họ. Chúng tôi cũng cung cấp thông tin và tư vấn với những nhà làm luật nhằm có các thay đổi kịp thời.

Chúng tôi là cầu nối giữa chính phủ và các doanh nghiệp, nhằm giúp hai bên hiểu rõ nhau hơn. Và qua đó, với sự cố gắng từ hai phía, doanh nghiệp - tìm kiếm các cơ hội, kết chặt mối quan hệ với các doanh nghiệp và ngành nghề khác cùng với chính phủ – hỗ trợ về mặt pháp lý và chính sách cho các doanh nghiệp”.

Theo Trần Nguyên
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm