Hàng Trung Quốc - những gọng kìm bọc nhung:
Trào lưu “đánh hàng Quảng Châu”
Hàng hoá Trung Quốc đang chảy rất mạnh vào thị trường Việt Nam. Những dòng người ngược xuôi “đánh hàng” như những gọng kìm bọc nhung đang siết chặt, bóp nghẹt nền sản xuất Việt...
Mua tận gốc - bán tận ngọn
“Bạn có thể giảm được 50% giá thành nếu có thể nhập trực tiếp từ các nhà cung cấp tại Trung Quốc. Tuy nhiên mua tận gốc, bán tận ngọn không phải ai cũng có thể làm được vì gặp trở ngại trong việc tìm đối tác, thanh toán, nhập khẩu” - thông tin trên được truyền bá rộng rãi trên mạng, cùng với sự mời chào tham dự hội thảo miễn phí ngay tại TPHCM giới thiệu “công nghệ đánh hàng” từ Quảng Châu gây được sự chú ý của nhiều người.
Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “đi mua hàng ở Quảng Châu”, sẽ có một loạt những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và giản đơn đến kỳ lạ để thu hút mọi người, mọi nhà tham gia vào hành trình nhập khẩu hàng Trung Quốc.
Theo lời một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội đi chuyến xe Hà Nội - Hữu Nghị Quan - Bằng Tường - Quảng Châu, bây giờ chính là thời “nhà nhà xuống đường đi buôn hàng Trung Quốc”.
Chưa có một thống kê nào về lượng người Việt Nam đang qua lại kinh doanh tại Quảng Châu, tuy nhiên có thể nhìn thấy được một phần của số lượng đông đảo này qua lượng “tai” (thông dịch kiêm hướng dẫn viên cho người Việt tại Quảng Châu) và lượng xe du lịch.
Theo Hoàng Trạch Nam, một “tai” kỳ cựu tại Quảng Châu, thì có khoảng hơn 1.000 người làm nghề này, chưa kể lực lượng du học sinh thỉnh thoảng cũng… kiếm thêm.
Một con số khác, Thuỷ - giám đốc khu người Việt của khách sạn Đức Chính - Quảng Châu cho rằng lượng “tai” có thể hơn 1.500 người. Lượng phiên dịch đông là vậy, nhưng lúc nào họ cũng có lịch làm việc dày đặc.
Đó là chưa kể đến lượng thương nhân Việt Nam nói được tiếng Hoa hoặc có đủ kinh nghiệm và mối làm ăn mà không cần đến “tai”. Con số thứ hai, là mỗi ngày, sẽ có bốn chuyến xe (40 khách/xe) đi từ Bằng Tường đến Quảng Châu và bốn chuyến quay chiều ngược lại. Đó là chưa tính lượng khách đi bằng máy bay.
Mọi người đều lao lên xe, theo sự hấp dẫn của lợi nhuận đặc biệt được mọi người truyền tụng, không biết rằng, họ đang là cánh tay nối dài của các nhà sản xuất Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trung tâm thương mại quốc tế
Không phải đợi đến khi tổ chức tự xưng là “trung tâm tư vấn và hỗ trợ của China Trade Corp với các doanh nghiệp Việt Nam” ra đời tại TP.HCM, thì rất đông người Việt đã nhanh chóng có mặt tại trung tâm Tràm Xoáy, nơi được mệnh danh là trung tâm thương mại quốc tế của Quảng Châu.
Ở đó, doanh nhân, nhà buôn hay người bình thường từ mọi nơi trên thế giới đều có thể tha hồ mua sắm, đặt hàng và vận chuyển đủ mọi thứ, từ cỗ máy hiện đại nhất, món hàng nhái cao cấp nhất, sản phẩm đóng mác “sản xuất tại Việt Nam” hay những mặt hàng kém phẩm chất giá rẻ như cho.
Chỉ cần ra dấu, không cần biết từ tiếng Hoa nào, người ta cũng dễ dàng tiếp cận chợ quần áo, chợ đồ da, chợ đồ lưu niệm, chợ máy tính, chợ điện thoại di động… Và chỉ cần nói “anh từ đâu đến”, hàng hoá sẽ được vận chuyển chính xác đến khu đóng hàng của mỗi quốc gia.
Việc đi buôn, hoá ra lại giản đơn vô cùng. Mang tiền đến “văn phòng đại diện” tại Hà Nội hoặc TPHCM của khách sạn Đức Chính gởi, sẽ tự khắc có tiền khi sang Quảng Châu.
Đặt vé xe qua điện thoại, ngủ một giấc là thấy thủ đô hàng hoá trước mắt. Chỉ việc chọn hàng, thoả thuận giá. Việc khuân vác đã có “tai”. Việc đóng hàng đã có một nhóm người bản xứ làm dịch vụ. Ai đi Quảng Châu cũng kéo vali to đùng trống không để mua và còn đóng hàng thành kiện hơn 100kg để chuyển về.
Giá chuyển hàng của Đức Chính là 1,5 triệu đồng/kiện hàng về Hà Nội và 2,5 triệu đồng về Sài Gòn. Tuy nhiên, Đại Xà Thầu đang là một mối chuyển hàng lớn hơn, do người Trung Quốc tổ chức.
Theo một nguồn tin, ông chủ của Đại Xà Thầu là đàn em thân tín của trùm cửu vạn tại vùng biên Lũng Vài. Một nhà buôn khác cho rằng, có ít nhất năm con đường để đưa hàng về Việt Nam, và người ta có thể vận chuyển khoảng ba container một lúc mà không phải đóng đồng thuế nào.
Ngày nối ngày, từng đoàn người nối tiếp nhau đến rồi đi, hỉ hả vui cười vì lượng hàng “đánh” được từ khu thương mại Tràm Xoáy. Những tiệm buôn lẻ chỉ cần vài chục triệu là xong một lần đi.
Những nhà buôn sỉ thì ăn dầm nằm dề ở Quảng Châu để chờ đơn hàng từ Việt Nam gởi sang và gom mỗi lần cả chục kiện. Những nhà “siêu buôn sỉ” thì mua hẳn nhà ở Quảng Châu và tổ chức một đường dây đưa hàng về khắp các tỉnh thành với số lượng không ai kiểm chứng được.
Hàng Trung Quốc, mà chủ yếu là dệt may, da giày cứ thản nhiên xâm nhập thị trường Việt Nam một cách tự nhiên.
Theo Trần Nguyên
Báo SGTT