Hoảng loạn Trung Quốc: Nỗi ám ảnh "thế lực đen tối"

Nỗi ám ảnh của những lời cảnh báo về một sự tăng trưởng không bền vững của thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Trung Quốc khiến nhiều NĐT lo ngại cuộc tháo chạy trên diện rộng chưa dừng lại.

Ám ảnh bởi những lời cảnh báo

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong vài ngày nay đang cáo buộc tỷ phú George Soros và những nhà đầu cơ tiền tệ nước ngoài khác đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu trên các TTCK Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Nhiều thông tin đã đặt nghi vấn nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng bán tháo khiến cổ phiếu Trung Quốc giảm hơn 30% và TTCK nước này bốc hơi khoảng 3,5 ngàn tỷ USD trong gần một tháng vừa qua là do hoạt động của những nhà đầu cơ bán khống nước ngoài. Một vài cái tên đã được nêu lên và cho rằng có thể đã dùng những quỹ rất lớn để tạo ra làn sóng bán tháo, trong đó có các quỹ và ngân hàng đầu tư danh tiếng như: Morgan Stanley, Credit Suisse, George Soros và Bill Gross.

Những phân tích cho thấy, đợt bán tháo lần này có nét giống với đợt sập sàn chứng khoán tại Hong Kong năm 1997. Khi đó chỉ số Hang Seng đã giảm tới 60% mà nguyên nhân được cho là do tỷ phú George Soros đã bán khống cả đồng đô-la Hong Kong và chỉ số tương lai Hang Seng.

Trên thực tế, hồi đầu tháng 6/2015, quỹ Bill Gross of Janus Capital - đồng sáng lập công ty đầu tư toàn cầu PIMCO, đã cho rằng chỉ số tổng hợp của sàn chứng khoán Thâm Quyến là một cơ hội đầu tư hoàn hảo cho hoạt động bán khống. Morgan Stanley và Credit Suisse gần đây cũng đầu cơ giá xuống đối với cổ phiếu Trung Quốc.

Hoảng loạn Trung Quốc: Nỗi ám ảnh thế lực đen tối
Nỗi ám ảnh của những lời cảnh báo về một sự tăng trưởng không bền vững của thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Trung Quốc khiến nhiều NĐT lo ngại

Financial News, một tờ báo của People’s Bank of China cũng cho rằng sự sụp đổ trên TTCK Trung Quốc là do một số thế ‘lực đen tối’ đã chơi trò mạo hiểm đối với các cổ phiếu nước này. Tờ báo nhắc tới Morgan Stanley với hoạt động rút lại báo cáo lạc quan về chỉ số Shanghai Composite Index, thay vào đó là nhận định chỉ số này đã lên đỉnh vào hồi đầu tháng 6/2015.

Trước đó, tỷ phú Soros đã cảnh báo về sự bất ổn và mất phương hướng của nền kinh tế Trung Quốc. Đầu năm 2014, ông Soros cho biết, nền kinh tế Trung Quốc dựa trên xuất khẩu và đầu tư này đang mất động lực phát triển và không thể ổn định dài thêm hơn 2 năm nữa. Nhận định này đã trở thành một nỗi ám ảnh khi TTCK bất ngờ sụt giảm mất 1/3 trong vòng chưa đầy một tháng vừa qua.

Tờ báo New York Times trích lời các nhà phân tích Trung Quốc và nước ngoài cho biết hiện giá cổ phiếu của các DNNY tại Trung Quốc đã bị đẩy lên quá cao, đi ngược với tình trạng tăng trưởng chậm chạp của chính các DN và nền kinh tế và đây là áp lực rất lớn đối với TTCK nước này.

Cũng hồi đầu tháng 6/2015, trên tờ Bloomberg, Bocom International Holdings Co. cho rằng, TTCK sẽ sớm đổ vỡ trong 6 tháng cuối năm sau khi nghiên cứu các bong bóng tài sản trên toàn cầu trong hơn 800 năm gần đây. Quỹ Macquarie Investment Management đã loại bỏ khỏi danh mục đầu tư các cổ phiếu liên quan tới Trung Quốc.

Bơm tiền cứu giá

Sau những phiên giảm điểm kinh hoàng, tới cuối giờ chiều ngày 10/7, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục trở lại, tăng thêm 2-4% sau khi chính phủ nước này công bố thêm hàng loạt các biện pháp can thiệp sâu, bao gồm cả các biện pháp hành chính như: ngừng giao dịch hơn 1.300 cổ phiếu, cấm các cổ đông lớn, các giám đốc DN niêm yết không được bán cổ phiếu niêm yết trong vòng 6 tháng…

Hoảng loạn Trung Quốc: Nỗi ám ảnh thế lực đen tối
TTCK Trung Quốc đã tăng trưởng nhờ vào làn sóng người dân bình thường vay tiền đổ vào mua cổ phiếu.

Tuy nhiên, chia sẻ trên NYT, Tsuyoshi Jin Saito, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty tư vấn Observatory Group ở Washington cho rằng, sự bất ổn ở TTCK Trung Quốc đang không được xử lý đúng bệnh. Trung Quốc đang cố gắng bỏ đi cách xử lý đúng đắn, không trả chứng khoán về đúng với giá trị của nó, mà đang coi sự tụt giảm của thị trường gắn liền với bất ổn xã hội.

Trên thực tế, TTCK Trung Quốc trong hơn một năm trước đã tăng rất mạnh mà không hề theo nhịp tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế nước này. TTCK đã tăng trưởng nhờ vào làn sóng người dân bình thường vay tiền đổ vào mua cổ phiếu.

Chỉ trong vòng khoảng một năm, bắt đầu từ giữa 2014, hơn 40 triệu tài khoản chứng khoán mới đã được mở. Dòng tiền đã đẩy TTCK tăng 150% trong vòng chưa đầy một năm.

Quy mô nền kinh tế Trung Quốc xếp hàng thứ 2 thế giới nhưng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó có sự thiếu vắng của một động lực để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Vấn đề cốt lõi của TTCK mà nhiều chuyên gia đề cập đó là thị trường này đã và đang ở trong tình trạng bong bóng. Với hệ số giá/thu nhập (P/E) ở mức trung bình trên 80 lần, giá cổ phiếu của Trung Quốc đang đắt hơn rất nhiều so với tất cả các TTCK trên thế giới, ngoại trừ Hy Lạp. Chỉ số này cũng kém hấp dẫn bằng 50% so với thời kỳ chứng khoán nước này đạt đỉnh trên 6.000 điểm hồi tháng 10/2007.

Với thời gian hoàn vốn khi đầu tư vào các DNNY là 80 năm như vậy, cái bệnh của TTCK chính là ở dòng tiền đã đổ vào quá mức, tình trạng đầu cơ đã lên đến đỉnh điểm. Khi một thị trường quá nóng, bong bóng hình thành thì sẽ tới một thời điểm phải nổ tung hoặc xì hơi. Trung Quốc thường có kinh nghiệm trong việc ngăn chặn các tình huống xấu bằng tất cả các biện pháp có thể. Do vậy, nhiều khả năng tình trạng lao dốc không phanh có thể được chặn lại. Tuy nhiên, quả bóng chứng khoán được đánh giá là sẽ tiếp tục xì hơi và chứng khoán Trung Quốc sẽ vẫn lún sâu trong khủng hoảng.

Theo V.Minh
VietnamNet

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”