Hoàng Anh Gia Lai thu nghìn tỷ vẫn không đủ bù chi phí lãi vay?
(Dân trí) - Dù được đánh giá là "tái sinh" với mô hình trồng chuối xuất khẩu, tận dụng chuối thải làm thức ăn chăn nuôi và cho ra dòng thịt độc quyền, lợi nhuận công ty bầu Đức vẫn chủ yếu do hoàn nhập dự phòng.
Ví dụ, năm 2022, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) tiêu thụ 292.847 con heo thịt và 281.275 tấn cây ăn trái, từ đó thu về 1.165 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Nhưng so với chi phí tài chính lên tới 1.635 tỷ đồng thì lợi nhuận từ bán chuối bán heo vẫn chưa đủ bù đắp.
Do đó, lợi nhuận trước thuế 1.091 tỷ đồng của năm 2022 của công ty chủ yếu đến hoàn toàn từ việc hoàn nhập dự phòng. Khoản hoàn nhập này, theo báo cáo tài chính, lên đến 1.561 tỷ đồng và không được HAGL thuyết minh cụ thể. Trước đó, năm 2021, công ty cũng ghi nhận hoàn nhập 891 tỷ đồng.
Cơ sở để HAGL ghi nhận khoản hoàn nhập là từ khoản vay ngắn hạn và dài hạn gần 5.700 tỷ đồng tại các bên liên quan (bao gồm cả cá nhân và tổ chức). Với khoản cho vay hàng nghìn tỷ đồng này, doanh nghiệp sẽ ghi nhận thu lãi hàng trăm tỷ đồng, từ đó có thể điều tiết lợi nhuận trong từng thời kỳ nhờ vào việc trích lập dự phòng và hoàn nhập dự phòng.
Tại phiên họp cổ đông diễn ra hôm 28/4, một cổ đông đã hỏi trực tiếp ban lãnh đạo về việc này. Cổ đông hỏi: "Có phải HAGL có lợi nhuận là do hoàn nhập không?". Trả lời cổ đông này, Tổng giám đốc HAGL Võ Trường Sơn cho biết để phân tích tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của công ty thì nên tách ra làm 2 phần. Trong đó, phần thứ nhất là lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính thì 2 năm trở lại đây con số này của công ty tương đối lớn.
Còn phần thứ hai liên quan đến hoàn nhập mà cổ đông thắc mắc, là những tài sản tài chính định giá lại và công ty cố gắng cân đối để không ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi. Như năm 2022, khoản đầu tư HAGL Agrico (mã: HNG) không phải là mảng cốt lõi của HAGL, nhưng do giá cổ phiếu HNG giảm nên công ty phát sinh lỗ do dự phòng khoảng 600 tỷ đồng. Theo ông Sơn, may là HAGL có khoản hoàn nhập dự phòng phải thu để bù đắp lại.
Chia sẻ bên lề phiên họp, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm nợ vay đã giảm đi đáng kể, từ mức 27.000 tỷ đồng năm 2016 hiện chỉ còn hơn 8.100 tỷ đồng. Nhưng khoản lãi vay phải trả (và vẫn nợ) của công ty lại tăng lên theo năm tháng. "Đây là lãi cộng dồn chỉ ghi nhận chứ thực tế không trả. Hiểu nôm na là theo thỏa thuận thì chủ nợ đồng ý thu hồi gốc, lãi vay "treo" ở đó thôi chứ không tính lãi. Do đó, có thể hiểu để "bù" lại khoản lãi "treo" này, công ty đã cân đối số liệu ghi nhận, để vẫn thể hiện được bản chất hoạt động cốt lõi đang dần sáng trở lại", ông chia sẻ.