1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Họa vô đơn chí: Lợn chết, giá tăng vọt, dân Trung Quốc lại khốn đốn về chăn nuôi gà

(Dân trí) - Những người chăn nuôi lợn trước đây ở Trung Quốc, giờ chuyển sang nuôi gà. Giá thịt gà đã tăng 24% trong sáu tháng qua, nhưng giá mà người nông dân nhận được khi bán gà đã giảm mạnh do nguồn cung tăng.

Họa vô đơn chí: Lợn chết, giá tăng vọt, dân Trung Quốc lại khốn đốn về chăn nuôi gà - 1
Đứng trên trang trại gà của mình dưới chân một ngọn núi ở Trung Quốc, phía nam tỉnh Quảng Đông, người nông dân Mo Bangmin đang tính toán những thiệt hại của mình cùng với vợ.

“Tôi đã mất khoảng 400.000 nhân dân tệ (hơn 1,3 tỷ đồng) khi một phần ba số lợn của tôi chết vào năm ngoái. Bây giờ, tôi phải đối mặt với việc mất tiếp 200.000 nhân dân tệ (700 triệu đồng) từ đàn gà này - tất cả tiền tiết kiệm của tôi đã bay hết”, ông Mo nói.

Mo, người nông dân 50 tuổi, là một trong những người nuôi lợn Trung Quốc đã chuyển sang nuôi gà sau khi cơn sốt lợn châu Phi bắt đầu tàn phá, khiến cho một nửa số lượng lợn trên toàn Trung Quốc bị xóa sổ chỉ trong một năm rưỡi.

Sản lượng thịt lợn đã giảm mạnh và giá thịt lợn tháng trước đã tăng 110,2% so với một năm trước đó, đẩy tỷ lệ lạm phát của nước này lên mức cao nhất trong 8 năm. Chi phí tăng vọt của món thịt chính tại Trung Quốc đã buộc nhiều người phải chuyển sang các dạng thịt khác với giá cả phải chăng hơn như thịt gà và, trong một số trường hợp, thậm chí là thịt chó.

Tiêu thụ gia cầm bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng lên 9kg trong năm 2018 từ mức 8kg trong năm 2014, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hà Lan, dự báo con số này sẽ tăng lên 11,4kg mỗi người vào năm 2020.

Nhưng đối với nhiều người từng chăn nuôi lợn trước đây như Mo, việc chuyển sang nuôi gia cầm đã không sinh lợi như mong muốn ban đầu của họ.

Trong khi dữ liệu của chính phủ cho thấy giá bán lẻ thịt gà tăng 23% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 và giá trứng tăng 29% so với cùng kỳ, việc tăng cung thịt gà từ nông dân đã đẩy giá gà xuất chuồng xuống mức đáy.

“Giá thịt gà bán lẻ đang tăng và mọi người nghĩ rằng những người nông dân nuôi gà chúng tôi đang kiếm bộn tiền”, ông Chen, một nông dân nuôi gà khác nói và cho biết thêm: “Tuy nhiên, những người nông dân chúng tôi đang phải im lặng chịu đựng trong khi những người bán buôn mới thực sự có lợi nhuận khổng lồ”.

Chen, người đã nuôi gà trong hơn một thập kỷ, cho biết vì nhiều người chăn nuôi lợn thiếu kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm, chất lượng gà của họ kém và khiến giá cả vô hình chung thấp đi.

‘Điều đó đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm’, ông nói, nói thêm rằng giá mà ông nhận được khi bán những con gà ngày hôm nay còn tệ hơn cả trong đợt dịch cúm gia cầm Trung Quốc những năm trước đây.

Ông Chen nói thêm, hơn nữa, những người nông dân chuyển sang nuôi gà đã nhanh chóng “chộp” lấy những con gà con và đẩy giá gà con lên một cao độ chưa từng thấy.

Thời điểm bùng phát không thể tồi tệ hơn đối với Mo, người vừa thuê một mảnh đất mới và xây hai chuồng lợn với số tiền ban đầu là 65.000 nhân dân tệ cho tiền thuê hàng năm, cộng thêm 300.000 nhân dân tệ cho hai chuồng.

“Khoảng 160 con lợn của tôi đã chết và tôi đã buộc phải bán 450 con lợn còn lại trong khi chúng vẫn còn chưa đủ trưởng thành”, Mo cho biết, ông đã bỏ công việc của mình trong một nhà máy để nuôi lợn khoảng 30 năm trước. “Tôi phải tự đào hố và chôn hàng chục con lợn mỗi ngày. Vợ tôi tóc đã bạc đi vì lo lắng và không ngủ được cả đêm”, ông nói.

Mo cho biết ông đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ sau khi bán lô gà đầu tiên vào tháng 9, nhưng đợt thứ hai và thứ ba là thảm họa, với việc giá được đưa ra bởi những người bán buôn trung gian giảm một nửa, từ 18 nhân dân tệ xuống còn 10 nhân dân tệ mỗi kilôgam.

Họa vô đơn chí: Lợn chết, giá tăng vọt, dân Trung Quốc lại khốn đốn về chăn nuôi gà - 2
Mo Bangmin đang trên bờ vực phá sản sau khi chịu tổn thất khi nuôi lợn và gà.

“Gà con có giá 8 nhân dân tệ mỗi con và chi phí nuôi trung bình cho mỗi con gà con là khoảng 16 nhân dân tệ. Tôi đã định bán chúng sau 65 ngày, nhưng tới tận 90 ngày sau đó tôi mới bán được. Tôi đã bán 10.000 con gà và phải chấp nhận lỗ ngày hôm qua”, anh nói

Ở thành phố Phật Sơn, cách đó khoảng 70km, một người nuôi gà mới, Chen Chunhua cũng có một câu chuyện tương tự về sự mất mát sau khi hơn một nửa số lợn của cô chết vào năm ngoái.

“Trái tim tôi tan nát khi tôi chôn những con lợn bị nhiễm bệnh của mình, chúng vẫn còn sống khi tôi chôn chúng. Tôi đã không thể ăn được một vài ngày sau đó”, cô nói.

Chen đang ở độ tuổi ba mươi, và giống như hầu hết những người trẻ Trung Quốc, cô không muốn làm việc trong một nhà máy vì thiếu tự do. Thay vào đó, cô đã nuôi gà trong trang trại trước đây từng nuôi lợn của mình. Chen đã bán gần như tất cả số gà của mình vào đầu tháng 12, chỉ giữ lại khoảng 30 trong số 40.000 con gà mà cô nuôi trong năm nay để ăn mừng Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1.

Khi chuyển qua cuốn sổ tay cũ của mình, cô tính toán mình đã lỗ mất khoảng 20.000 nhân dân tệ trong khi nuôi đàn gà – bằng khoảng một phần năm ​​tiền lương hàng năm của chồng cô, người làm tài xế xe tải cho một nhà máy gần đó.

“Những người bán buôn trung gian đã chào giá 11,60 nhân dân tệ cho mỗi kg gà vào ngày đầu tiên, nhưng khi anh ta đến để lấy gà của tôi vào ngày hôm sau, giá đã giảm xuống còn 11,20. Nhưng tôi không thể không bán”, cô nói.

“Loại gà này được bán với giá ít nhất 30 nhân dân tệ mỗi kg trên thị trường. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán gà khi chúng dưới 4kg, nếu chúng tôi không bán, chúng sẽ trở nên ngày càng khó bán hơn”. Cô nói thêm.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp giúp người chăn nuôi lợn đối phó với ảnh hưởng của sốt lợn châu Phi, bao gồm trợ cấp, giảm giá cho vay, bảo hiểm cho lợn sống, cũng như tăng cung cấp đất chăn nuôi để giúp số lượng lợn phục hồi. Nhưng các nhà phân tích nói rằng sẽ mất nhiều năm để đất nước này xây dựng lại đàn lợn của mình.

Mo và vợ hy vọng sẽ sớm tiếp tục nuôi lợn. Tuy nhiên, sau khi mất tiền tiết kiệm để nuôi gà, cặp vợ chồng nói rằng họ không còn đủ khả năng để mua heo con, đặc biệt là khi giá đã tăng gấp bốn lần trong một năm rưỡi qua.

Thùy Dung

Theo Scmp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm