1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hoá đơn tiền điện đến hẹn lại… “nhảy vọt”: Cần một bên thứ 3 phân xử

(Dân trí) - Theo quan sát của một chuyên gia kinh tế, rất nhiều năm nay, cứ khoảng thời gian nắng nóng này, dư luận lại “bùng nổ" về vấn đề hoá đơn tiền điện tăng vọt.

Hoá đơn tiền điện đến hẹn lại… “nhảy vọt”: Cần một bên thứ 3 phân xử - 1
Hình minh hoạ.

Hoá đơn tiền điện "nhảy múa"

Nhận thông báo tiền điện tháng rồi, chị Đậu Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở khi phải trả số tiền cao gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 so với các tháng trước.

Mặc dù đã có những giải thích từ phía điện lực trên các phương tiện truyền thông về việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến nhưng chị Quyên cũng như nhiều người sử dụng điện vẫn chưa tin, thậm chí nghi ngờ độ chính xác công tơ.

“Ban ngày nhà tôi chỉ có mỗi mình tôi ở nhà, chủ yếu bật điều hoà vào ban đêm”, chị Quyên thể hiện sự băn khoăn.

Không riêng gì trường hợp chị Quyên, khá nhiều khách hàng cũng cảm thấy bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6.

Thậm chí, có những hoá đơn tiền điện tháng 6 của một số gia đình phản ánh tới Dân trí tăng gấp 4 hoặc 5 lần, dù vẫn đang trong thời gian được “hỗ trợ vì Covid-19”.

Trao đổi với Dân trí, đại diện EVN Hà Nội cho biết, vào mỗi đợt nắng nóng, bên cạnh áp lực về công tác vận hành đảm bảo cung cấp điện, công ty cũng gặp một số thắc mắc của khách hàng về vấn đề này.

“Theo quy luật thời tiết hàng năm, tháng 5 và 6 là thời điểm khu vực miền Bắc mà đặc biệt là thủ đô Hà Nội bước vào cao điểm mùa hè, bắt đầu có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thành phố tăng cao đột biến”, vị này cho biết.

“Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Thế nhưng với hiệu ứng nhà kính và các khối bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C.

Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6/2020 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh”, EVN Hà Nội cho biết, đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục từ trước đến nay.

Trong khi phía điện lực có nhiều giải thích, phản hồi tới khách hàng, đồng thời cho biết sẽ ghi nhận và kiểm tra mọi khiếu nại, song nhiều người dân vẫn bày tỏ sự nghi ngờ.

Có thể kiện ra toà

Trao đổi với Dân trí, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử để đảm bảo khách quan.
“Đến hẹn lại lên, năm nào thời điểm này cũng vậy. Một bên mua, một bên bán, ai cũng nghĩ mình đúng, người đứng ngoài cuộc không thể “bênh” ai mà cần cơ quan phân xử cho công tâm, minh bạch”, ông Ánh nêu vấn đề.

Về cơ quan độc lập đứng ra phân xử những nghi ngờ về hoá đơn tiền điện, ông Ánh cho rằng, có thể mời Hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc không cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng. Thậm chí, theo ông Ánh, nếu khách hàng bức xúc cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm có thể kiện bên bán điện ra toà.

“Họ mới có công cụ kiểm tra xem vấn đề nằm ở đâu để xử lý xung đột”, ông Ánh nói.

TS. Trần Văn Bình, một chuyên gia trong ngành năng lượng cũng cho rằng, cần một đơn vị độc lập để phân xử. Tuy nhiên, ông Bình cho biết, ngành điện vốn rất đặc thù, cần tính chuyên môn cao nên việc này không phải dễ dàng.

“Bản thân gia đình tôi cũng nhận hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, nhưng tôi vẫn thấy bình thường vì nắng nóng, nhà tôi dùng điều hoà nhiều hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều phản ánh về việc tăng đột biến dù dùng không quá nhiều hơn", ông Bình nói.

Vị này cho biết, câu chuyện tranh cãi về hoá đơn tiền điện nằm ở bậc thang luỹ tiến. Theo đó, có thể dùng gấp đôi số điện nhưng giá sẽ tăng nhiều hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, không thể bỏ bậc thang giá điện để một giá, bởi như vậy “người giàu sẽ được hưởng lợi, người nghèo chịu thiệt”.

Ông Bình cho biết, nhiều nước vẫn áp dụng cách tính luỹ tiến, dù nó có hạn chế khiến người dân khó hiểu trong việc tính giá điện song nó có ưu điểm là giúp người dùng tiết kiệm hơn, hạn chế dùng vào giờ cao điểm.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện ở tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh. Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Nguyễn Mạnh