Hỗ trợ không nên là bơm tiền, tránh đẩy thị trường tài sản lên mức cao

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bài toán hỗ trợ kinh tế thực chất là bài toán làm thế nào để thu hút trở lại tiền tiết kiệm, huy động được nguồn lực dư thừa từ xã hội, chứ không nên coi là bơm tiền.

Đó là quan điểm của T.S Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln - Vương Quốc Anh về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Dân trí trích đăng nguyên văn bài viết:

Một số tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có chung nhận định rằng kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại mức tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong năm 2022. Vấn đề lạm phát không đáng lo ngại và sẽ duy trì ở dưới mức 4%.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chờ đợi để hồi phục. Việc đạt mức tăng trưởng kinh tế có thể không khó, khi Quốc hội đã thông qua gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá gần 350.000 tỷ đồng trong bối cảnh các hoạt động kinh tế hoạt động trở lại sau Covid-19.

Hỗ trợ không nên là bơm tiền, tránh đẩy thị trường tài sản lên mức cao - 1

Việc sử dụng chính sách tiền tệ trong khi nền kinh tế không "chạy" sẽ dẫn tới tiền chạy vào thị trường tài sản, đẩy giá bất động sản, chứng khoán và các hành vi đầu cơ tài sản khác (Ảnh: Hữu Khoa).

Ở đây, điều quan trọng không phải là tăng trưởng, mà là chất lượng tăng trưởng. Các câu hỏi đặt ra là liệu quá trình tăng trưởng đó có đảm bảo sự công bằng xã hội và hạn chế được rủi ro bong bóng tài sản như đã từng xảy ra một thập kỷ trước hay không?

Với gói hỗ trợ, chúng ta có hai công cụ chính là tiền tệ và tài khóa. Việc sử dụng chính sách tiền tệ trong suốt thời gian qua trong khi nền kinh tế không "chạy" đã dẫn tới tiền chạy vào thị trường tài sản, đẩy giá bất động sản, chứng khoán và các hành vi đầu cơ tài sản khác. Đó là chưa kể các chiêu trò đẩy giá thông qua đấu giá bất động sản, qua các game chứng khoán khác để thu hút dòng tiền. Hay các hình thức sàn đầu tư trực tuyến, đánh bạc trực tuyến, thậm chí lừa đảo trực tuyến mà công an triệt phá gần, nở rộ. Đơn giản là vì tiền nhiều quá!

Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới bắt đầu quá trình thu hẹp tiền tệ. Điều này cho thấy giới hạn của chính sách tiền tệ trong nước, không thể lỏng thêm và chỉ có thể duy trì hoặc trở lại với thắt chặt.

Gói hỗ trợ kinh tế nhất thiết phải dựa trên tài khóa. Tôi đã xem đề xuất, thấy các lĩnh vực cần hỗ trợ khá rõ ràng, nhưng chưa rõ về cách thức tiền sẽ được huy động và sử dụng phục vụ cứu trợ thế nào. Quan điểm của tôi là những chính sách tài khóa hỗ trợ này không nên đồng nghĩa với việc bơm tiền.

Bởi vì, bơm tiền lúc này tức là chúng ta bơm hai lần cho cùng một mục đích, sẽ đẩy thị trường tài sản lên mức cao, tạo ra sự thịnh vượng giả tạo. Chắc chắn điều này cũng sẽ tạo ra sự bất ổn xã hội bởi lừa đảo sẽ trở thành phổ biến khi mà mong muốn đánh bạc lấn át mong muốn kinh doanh, thậm chí người giàu lừa người nghèo.

Điều này có nghĩa là các chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế nên là quá trình nắn lại dòng tiền hiện hữu trong xã hội trở lại với những mục tiêu kinh tế cần hỗ trợ. Đồng thời với việc bắt đầu quá trình nâng lãi suất trở lại khi kinh tế bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng.

Thực tế điều tra doanh nghiệp cho thấy lãi suất không phải là vấn đề chính đối với họ. Việc nâng lãi suất sẽ giúp thu hút trở lại tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng phục vụ thực chất cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu Chính phủ cho các tổ chức kinh tế nên là ưu tiên bởi tiền trong xã hội thực sự còn rất nhiều.

Nói cách khác, bài toán hỗ trợ kinh tế thực chất là bài toán làm thế nào để sử dụng số tiền đã bơm ra, thu hút trở lại tiền tiết kiệm, huy động được nguồn lực dư thừa từ xã hội, chứ đó không nên là bơm tiền. Làm như vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ tạo ra nền móng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế ổn định lâu dài.

Theo TS. Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln - Vương quốc Anh