Hồ thủy điện Hòa Bình: Mức nước thấp hơn 10 m so với cùng kỳ, vẫn đảm bảo cấp nước cho hạ du

(Dân trí) - Vào cùng thời điểm này trong nhiều năm qua, hồ thủy điện Hòa Bình đã tích được xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, năm nay thời tiết khô hạn cực đoan khiến mực nước vẫn thấp hơn 10 mét so với cùng kỳ hàng năm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát điện và tích nước hồ chứa.

Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn duy trì đủ mức nước để đảm bảo cấp nước phục vụ hạ du, đặc biệt là cấp nước sinh hoạt cho TP Hà Nội.

Hồ thủy điện Hòa Bình là thủy điện cuối cùng trên hệ thống bậc thang thủy điện lưu vực sông Đà nên lượng nước về trên lưu vực sông Đà cũng chính là lượng nước về hồ Hòa Bình. Tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9 lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 32,75 tỷ m3 chỉ bằng 74% so cùng kỳ trung bình nhiều năm, đặc biệt thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ năm 2018 (51,92 tỷ m3).

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết: “Trong mùa lũ năm nay, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đưa công trình vào vận hành đến nay đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của EVN nói chung và Công ty thủy điện Hòa Bình nói riêng.

Mực nước tại hồ Hòa Bình ngày 22/10/2019 là 106,7 m thấp hơn mực nước dâng bình thường là 10,3m, dung tích hữu ích của hồ Hòa Bình ở mực nước 117 m là 6,06 tỷ m3, như vậy hồ chứa hiện tại còn thiếu hụt khoảng 2 tỷ m3 nước. Việc thiếu hụt nghiêm trọng nước về hồ đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của Công ty thủy điện Hòa Bình. Dự kiến sản lượng điện của Công ty sẽ không đạt theo kế hoạch dự kiến từ đầu năm 2019 là 9,575 tỷ kWh”.

Hồ thủy điện Hòa Bình: Mức nước thấp hơn 10 m so với cùng kỳ, vẫn đảm bảo cấp nước cho hạ du - 1

Đại diện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVN), Ông Vũ Xuân Khu – Phó Giám đốc cũng cho biết: “Theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2019, sau giai đoạn mùa lũ (15/9) hồ Hòa Bình chuyển sang chế độ vận hành tích nước đến ngày 30/09 đạt mực nước dâng bình thường để phục vụ cấp nước hạ du trong mùa khô theo quy định.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ năm 2019 chỉ đạt khoảng 51% so với trung bình nhiều năm, tần suất nước về ở mức rất kém. Với mức nước thấp như vậy, để đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bằng Bắc Bộ và phát điện của mùa khô năm 2020, đáng lẽ hồ Hòa Bình phải hạn chế sử dụng nước phát điện, thậm chí còn tích lên cao dần để đảm bảo mức nước cần thiết vào cuối năm 2019 theo quy trình vận hành"

"Theo yêu cầu kỹ thuật, đáng lẽ chúng tôi chỉ nên đưa nước qua tổ máy ở mức khoảng 300 m3/s. Tuy nhiên, với tinh thần cùng chung tay chia sẻ với cả cộng đồng, EVN vừa qua vẫn chỉ đạo đưa nước từ hồ Hòa Bình về hạ du vẫn ở mức khoảng 850 m3/s để đảm bảo mức nước tối thiểu cho Nhà máy nước sông Đà tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà) lấy nước phục vụ sinh hoạt của người dân Thủ đô Hà Nội. Rất đáng tiếc vừa qua đã xảy ra sự cố nguồn nước tại khu vực Nhà máy nước sông Đà làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người dân cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn nước, đặc biệt vào những thời điểm khô hạn như năm nay”, ông Khu nói.

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn có khả năng tiếp tục xảy ra ở những tháng cuối năm 2019, việc tích nước ở các hồ chứa vẫn sẽ còn rất khó khăn. Do vậy, việc tuân thủ các quy định của Quy trình (đảm bảo mực nước hồ, cấp nước hạ du...), cũng như khả năng tích nước lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm các hồ chứa trên lưu vực sông Đà gần như là không thể thực hiện được.

Theo tính toán của EVN, nếu tần suất nước về các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tiếp tục duy trì như thời gian qua, cùng với việc các nhà máy thủy điện trên bậc thang phải duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp nước cho nhà máy nước sông Đà thì dự kiến đến ngày 31/12/2019, tổng lượng nước tích được của các hồ chứa trên lưu vực thậm chí còn thấp hơn so với thời điểm hiện tại (chưa tính yếu tố các nhà máy vẫn phải vận hành để đáp ứng các nhu cầu của hệ thống điện).

Trong tháng 11, 12/2019 và giai đoạn đầu năm 2020 trước đợt xả nước Đông Xuân, căn cứ tình hình thời tiết thủy văn và tình hình thực tế mực nước hồ, EVN kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp & PTNT cho phép điều chỉnh lưu lượng xả ra hạ lưu trung bình ngày thấp hơn so quy định trong Quy trình để tích và duy trì mực nước hồ cao nhất có thể đến thời điểm trước khi thực hiện các đợt gia tăng xả nước phục vụ cho gieo cấy vụ Đông Xuân.

EVN cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài và sớm có những phương án để chủ động, tranh thủ tận dụng nguồn nước tối đa để tiết kiệm, rút ngắn thời gian xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2019-2020 trong điều kiện lượng nước xả từ các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt là giải pháp lắp đặt các trạm bơm dã chiến để có thể bơm lấy nước từ sông Hồng trên tinh thần chủ động không phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện.

H.An