DBiz

Hồ sơ công ty chứng khoán trong vụ Trương Mỹ Lan lừa đảo gần 31.000 tỷ đồng

Khổng Chiêm
Hồ sơ công ty chứng khoán trong vụ Trương Mỹ Lan lừa đảo gần 31.000 tỷ đồng

Mối liên hệ giữa Chứng khoán Tân Việt và bà Trương Mỹ Lan

Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 cho thấy, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc phát hành 25 gói trái phiếu "khống" giá trị hơn 30.869 tỷ đồng.

Một trong những pháp nhân liên quan đến vụ án là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Từ năm 2018 đến năm 2020, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Tiến Thành - nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc - Chứng khoán Tân Việt đã cung cấp dịch vụ tư vấn, phát hành 25 gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo cho 4 tổ chức phát hành gồm: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra (thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát).

Theo kết luận, giai đoạn 2018-2020, vốn điều lệ của TVSI là 1.089 tỷ đồng. Bà Trương Mỹ Lan nắm phần lớn cổ phần thông qua 11 cá nhân và 1 công ty đứng tên hộ, sở hữu tỷ lệ 88,23% vốn đến 88,73% vốn điều lệ của TVSI. Trong đó, công ty đứng tên hộ là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát do Trương Huệ Vân - cháu gái Trương Mỹ Lan - làm Tổng giám đốc.

Từ năm 2021 đến nay, bà Trương Mỹ Lan tăng vốn cho TVSI từ 1.089 tỷ đồng lên 2.639 tỷ đồng. Trong số 92 cổ đông của TVSI có 6 cá nhân và 4 công ty đứng tên hộ Trương Mỹ Lan với tỷ lệ sở hữu 91,54% vốn điều lệ.

4 công ty đứng tên hộ gồm Công ty cổ phần Minerva do Nguyễn Vũ Anh Thi làm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Minerva Heritage do Trương Lập Hưng (cháu bà Trương Mỹ Lan) làm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Future Horizon và Công ty cổ phần Lumiform do Vũ Thị Hồng Hạnh làm Tổng giám đốc.

Hồ sơ công ty chứng khoán trong vụ Trương Mỹ Lan lừa đảo gần 31.000 tỷ đồng - 1

Bà Trương Mỹ Lan nắm phần lớn cổ phần Chứng khoán Tân Việt, thông qua các cá nhân và công ty đứng tên hộ (Ảnh minh họa: Hải Long).

Chứng khoán Tân Việt thay đổi người đại diện pháp luật qua từng giai đoạn. Hiện tại, bà Trần Thị Cẩm Hạnh làm người đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Tiến Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TVSI (đã mất) - được xác định là người tiếp nhận chủ trương, bàn bạc với bà Trương Mỹ Lan và các nhân sự cấp cao của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lên phương án phát hành trái phiếu.

Ông Thành cũng trực tiếp ấn định thông tin, chỉ đạo, điều hành các nhân viên dưới quyền thực hiện quy trình tư vấn, phát hành trái phiếu cho 4 công ty trên.

Dù ông Thành đã chết nhưng với kết quả điều tra, tài liệu, chứng cứ đã thu thập, Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Thành đã phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan, liên đới trách nhiệm với số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo việc khắc phục hậu quả vụ án, Cơ quan điều tra đã ngăn chặn giao dịch hơn 8 triệu cổ phần TVSI và 2 tài khoản ngân hàng của ông Thành với số tiền hơn 380 triệu đồng.

Vai trò của Chứng khoán Tân Việt

Trách nhiệm của TVSI trong việc bán trái phiếu cũng được làm rõ. Theo đó, TVSI thực hiện vai trò tổ chức tư vấn trong quá trình tư vấn, lập hồ sơ phát hành trái phiếu, tuân thủ theo quy định của Luật chứng khoán và các văn bản pháp lý khác về trái phiếu.

Theo quy định tại Nghị định 163/2018, Nghị định 153/2020 của Chính phủ, TVSI với tư cách tổ chức tư vấn không có trách nhiệm về việc kiểm tra, kiểm soát xem tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp có phù hợp với khối lượng, giá trị trái phiếu phát hành mà chỉ có trách nhiệm rà soát các điều kiện chào bán của tổ chức phát hành.

Về mục đích sử dụng tiền huy động vốn, các tổ chức phát hành trái phiếu tự sử dụng và tự chịu trách nhiệm về nội dung trên. Tổ chức phát hành cung cấp báo cáo định kỳ cho đại diện người sở hữu trái phiếu cho đến khi sử dụng hết tiền thu từ việc phát hành trái phiếu và báo cáo định kỳ cho các cơ quan chức năng.

Công ty Chứng khoán TVSI với vai trò đại diện người sở hữu trái phiếu không kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tiền huy động vốn trái phiếu của tổ chức phát hành. Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn thuộc về tổ chức phát hành và ngân hàng quản lý tài khoản (nếu có).

Trên thực tế, các công ty của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khi được lựa chọn để phát hành trái phiếu vốn là những công ty đã có đủ điều kiện về báo cáo tài chính, kiểm toán... theo quy định pháp luật. Kể cả Công ty Setra cũng đã được các đối tượng "xử lý" báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán năm gần nhất để đảm bảo đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Theo Nghị định 163/2018 thì tổ chức tư vấn phát hành, bảo lãnh và lưu ký trái phiếu (TVSI) chỉ thực hiện việc tư vấn phát hành và các nghiệp vụ phát sinh theo hợp đồng.

Theo Nghị định 163/2018 của Chính phủ, TVSI cũng không có thẩm quyền và trách nhiệm phải kiểm tra, giám sát về tình hình tài chính, mục đích phát hành, việc sử dụng tiền huy động vốn từ trái phiếu cũng như những vấn đề nội bộ của đơn vị phát hành trái phiếu.

Năm 2023 trải qua nhiều khó khăn, năm 2024 hướng tới mục tiêu thận trọng

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2024, Ban điều hành Chứng khoán Tân Việt nhận định năm 2023 là một năm nhiều thử thách đối với công ty. Mặc dù thị trường ghi nhận một năm tăng điểm tích cực cùng với ngành chứng khoán kinh doanh khởi sắc dựa trên nền thấp của năm suy thoái trước đó nhưng vì một vài lý do riêng biệt, Chứng khoán Tân Việt lại có sự sụt giảm lớn. Hoạt động kinh doanh của công ty không hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Năm 2023, Chứng khoán Tân Việt có doanh thu hoạt động giảm 92% so với năm trước, còn hơn 202 tỷ đồng. Doanh thu các mảng nghiệp vụ môi giới, lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính đều giảm mạnh. Công ty cũng không còn nguồn thu từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán.

Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn gấp đôi cùng kỳ khiến công ty lỗ sau thuế hơn 397 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 148 tỷ đồng).

Kiểm toán có đưa ra 2 ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của TVSI, liên quan câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp và khoản tiền TVSI bị "kẹt" tại SCB.

Theo đơn vị kiểm toán, TVSI có thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư. Đồng thời, công ty đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai.

Tổng mệnh giá các trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 31/12/2023 trên 16.491 tỷ đồng. Trong đó, số đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 16.062 tỷ đồng.

Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, tổng mệnh giá trái phiếu công ty đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng trên 16.491 tỷ đồng, trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán khoảng hơn 16.477 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chứng khoán Tân Việt không thực hiện được việc thanh toán cho bên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này; đồng thời đang thực hiện đàm phán lại với nhà đầu tư sẽ không thực hiện giao dịch này. TVSI cũng đang đàm phán với các nhà đầu tư việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại nhưng việc đàm phán này vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Kiểm toán cũng nhấn mạnh từ ngày 2/11/2022, Chứng khoán Tân Việt còn hơn 1.609 tỷ đồng tiền gửi tại SCB. Tại ngày 31/12/2023, số dư tiền gửi của công ty tại SCB khoảng 1.625 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán (khoảng 889 tỷ đồng), tiền gửi của công ty phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng (khoảng 736 tỷ đồng), số dư chứng chỉ tiền gửi (khoảng 29 tỷ đồng).

Công ty đã gửi các công văn đến cơ quan chức năng liên quan, đề nghị phê duyệt các lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của công ty mở tại SCB sang các tài khoản khác để giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, công ty chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng.

Cũng trong năm 2023, Chứng khoán Tân Việt đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt gần 750 triệu đồng do vi phạm liên quan đến hoạt động tư vấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

UBCKNN cũng đặt Chứng khoán Tân Việt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ngày 31/12/2022 do công ty lập không được kiểm toán. Thời hạn kiểm soát đặc biệt đối với TVSI từ ngày 18/5/2023 đến ngày 17/9/2023.

Đến tháng 9/2023, do khắc phục được nguyên nhân nên TVSI đã được chấm dứt tình trạng kiểm soát đặc biệt và mở chiều mua chứng khoán.

Sắp tới đây, Chứng khoán Tân Việt sẽ họp đại hội cổ đông thường niên 2024. Hội đồng quản trị (HĐQT) đánh giá năm nay mở ra nhiều triển vọng với thị trường chứng khoán, hướng tới mục tiêu nâng hạng vào năm 2025. Tuy nhiên, với những khó khăn nội tại mà công ty tiếp tục phải đối mặt, HĐQT đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng, tiếp tục giải quyết vấn đề về trái phiếu và khôi phục ổn định các hoạt động kinh doanh.