1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hơn 1.600 tỷ đồng của Chứng khoán Tân Việt "bị kẹt" ở SCB

Nhật Quang

(Dân trí) - Công ty kiểm toán đưa ra nhiều ý kiến liên quan tới kết quả kinh doanh của Chứng khoán Tân Việt, trong đó có khoản tiền hơn 1.600 tỷ đồng tiền gửi tại SCB đang bị phong tỏa...

Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét. Theo đó sau soát xét, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này từ lãi gần 29 tỷ đồng, sang lỗ 338 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 343 tỷ đồng.

Hầu hết hoạt động kinh doanh của công ty đều lao dốc, trong đó lãi từ tài sản FVTPL và lãi từ cho vay đồng loạt giảm trên 90%, tương tự doanh thu môi giới giảm 90% xuống 28 tỷ đồng. Điều này dẫn đến tổng doanh thu hoạt động lũy kế 6 tháng 2023 ở mức 134 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước, không thay đổi so với báo cáo tự lập. 

Hơn 1.600 tỷ đồng của Chứng khoán Tân Việt bị kẹt ở SCB  - 1

Nguồn: Nhật Quang tổng hợp từ BCTC bán niên 2023 trước và sau soát xét của TVSI (Đơn vị tính: tỷ đồng).

Chi phí hoạt động sau soát xét cũng không ghi nhận có sự thay đổi, giữ ở mức 76 tỷ đồng, chỉ bằng 7% so với 6 tháng 2022.

Tuy nhiên, tại khoản mục chi phí quản lý lại có sự thay đổi đột biến, cao gấp 36 lần so với trước soát xét, từ 10,4 tỷ đồng lên hơn 376 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ 2022, chi phí quản lý chỉ ở mức 27 tỷ đồng.

1.609 tỷ đồng bị kẹt tại SCB

Cũng tại báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã đưa ý kiến nhấn mạnh về việc TVSI vẫn còn hơn 1.609 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang bị phong tỏa.

Theo đó, từ ngày 2/11/2022, số dư tiền gửi của doanh nghiệp này tại SCB là khoảng 1.609 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán là khoảng 879 tỷ đồng và tiền gửi của công ty phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng khoảng 730 tỷ đồng không giao dịch được.

TVSI đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng liên quan để xin phê duyệt các lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của công ty mở tại SCB sang các tài khoản khác để giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, đến 28/8 công ty chưa nhận được phản hồi từ phía các cơ quan chức năng.

Gần 15.600 tỷ đồng trái phiếu đến hạn chưa thanh toán được

Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh trong quá trình kinh doanh, Chứng khoán Tân Việt có thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư. Đồng thời, công ty đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai.

Tổng mệnh giá các trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 30/6/2023 là trên 18.000 tỷ đồng. Trong đó, số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng 14.800 tỷ đồng.

Đến ngày 28/8/2023, tổng mệnh giá trái phiếu công ty này đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 17.408 tỷ đồng, số đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng 15.580 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, công ty không thực hiện được việc thanh toán cho nên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này, đồng thời đang thực hiện đàm phán lại với các nhà đầu tư về việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại trái phiếu tương ứng với thời gian đáo hạn trái phiếu của tổ chức phát hành nhưng việc đàm phán này chưa có kết quả cụ thể.

Công ty không ghi nhận các khoản trái phiếu nêu trên vào báo cáo tài chính này. Do đó, các nhà đầu tư vẫn đang thực hiện các quyền sở hữu và định đoạt của trái chủ đối với số trái phiếu này.

Doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ vì sao?

Phía công ty kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính bán niên 2023 của TVSI liên quan tới việc trích lập dự phòng. Theo đó, nhiều khả năng việc trích lập này đã khiến lợi nhuận của TVSI giảm mạnh sau soát xét.

Cụ thể, đơn vị kiểm toán cho biết tại ngày 30/6/2023, Chứng khoán Tân Việt đã thực hiện trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được ở mức 50%.

Số này tương đương khoảng 592,9 tỷ đồng (số trích lập tại ngày 1/1/2023 khoảng 195 tỷ đồng) giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo tổng giá trị các hợp đồng mua lại là hơn 14.822 tỷ đồng.

Đến ngày 28/8/2023, đơn vị kiểm toán không đánh giá được mức phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại tiềm tàng thực tế (nếu có) của công ty cũng như ảnh hưởng của chúng đến báo cáo tài chính cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc tại ngày 30/6/2023.

Trong văn bản giải trình, ông Nguyễn Việt Cường - Tổng giám đốc Chứng khoán Tân Việt - cho biết tại ngày 30/6, doanh nghiệp đã thực hiện trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được ở mức 50% (tương đương 397 tỷ đồng) giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo tổng giá trị các hợp đồng mua lại là hơn 14.822 tỷ đồng.

Việc vi phạm của TVSI là do bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng nên trong quá trình giải quyết tranh chấp TVSI có thể thương lượng để không bị phạt vi phạm ở mức tối đa và sẽ chỉ bồi thường khi có phán quyết của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đến thời điểm ngày 28/8, TVSI chưa phải chi trả chi phí nào liên quan đến việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu, cho thấy việc trích lập dự phòng nói trên là phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng của kế toán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm