Hiệu suất trao đổi thành công đến từ việc kết nối đúng khách hàng
(Dân trí) - “Nếu không tạo giao dịch hiệu quả, các triển lãm sẽ giảm sút đi. Ngược lại, đáp ứng và làm tốt đúng vai trò xúc tiến thương mại sẽ là nền tảng giúp doanh nghiệp sẵn sàng tham gia ngày một nhiều vào các hội chợ/triển lãm hiện nay".
Bà Nguyễn Hồng Nhung, Phó giám đốc Vinexad (Triển lãm sự kiện) đã chia sẻ về nhận định hoạt động tổ chức triển lãm.
Tại Việt Nam có khoảng 100 cuộc triển lãm/hội chợ mô hình quốc tế tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. So sánh về quy mô có thể thấy các triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh thu hút nhiều doanh nghiệp hơn, bà lý giải về điều này?
Trực quan có thể thấy nhà triển lãm SECC (TP. Hồ Chí Minh) đáp ứng đủ tiêu chuẩn và diện tích mặt bằng lớn cho phép mở rộng quy mô. Điều thứ hai, đứng từ góc độ nhà tổ chức triển lãm, chúng tôi quan tâm tới chất lượng các giao dịch của khách hàng từ nhiều phía, khách tham gia (Exhibitors), khách tham quan (Visitors), khách thụ động (Passive customers), trong đó vai trò của nhà tổ chức là liên kết dựa trên nhu cầu và thị trường giao dịch của khách hàng muốn hướng tới.
Các hợp tác thành công trong và sau sự kiện là “then chốt” gia tăng quy mô cho show tiếp theo. Thống kê quy mô tại TP. Hồ Chí Minh thường cao hơn TP. Hà Nội từ 25% - 30%. Đơn cử, sự kiện lớn nhất là Vietnam Expo tại TP. Hồ Chí Minh 2019 (từ 4-7/12) gia tăng quy mô xấp xỉ 30% doanh nghiệp tham gia (850 doanh nghiệp - 900 gian hàng).
Có ý kiến cho rằng “số lượng khách không bằng chất lượng khách”, bà đánh giá như thế nào về điều này?
Sự phát triển về quy mô đồng nghĩa với sự phát triển về chất lượng, tuy nhiên cũng có những khía cạnh “hiệu suất của những giao dịch” sẽ mang giá trị cao hơn là số lượng khách tới tham quan. Điều này đúng trong trường hợp là triển lãm chuyên ngành, ví dụ triển lãm chuyên ngành Cơ khí & dụng cụ cầm tay (Hardware & Handtools), triển lãm Cảnh quan & Làm vườn (Garden & Landscape), triển lãm Y Dược (Medipharm Expo), triển lãm Thực phẩm (Vietfood & Beverage)… Để thu hút những khách hàng là các tập đoàn, thương hiệu mạnh, đa quốc gia, đòi hỏi nhà tổ chức có tệp dữ liệu rộng khắp, nền tảng tốt với các tổ chức XTTM trong và ngoài nước, hệ thống nhận diện và công nghệ cập nhật…
Một yếu tố nữa tôi muốn nhấn mạnh xuyên suốt đó là “tinh thần” của nghề làm xúc tiến thương mại là đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên hết. Vinexad đã không ngừng quan tâm đến nâng cao chất lượng các triển lãm, là thành viên của Hiệp hội Công nghiệp Triển lãm toàn cầu (UFI - The Global Asociation of the Exhibition Industry), Vinexad đã và đang xây dựng các triển lãm đạt tiêu chuẩn quốc tế được UFI công nhận (UFI Approved International Event), hay liên kết các chương trình tour triển lãm MICE. Những nỗ lực được thực hiện ngày hôm nay ví như những “mắt xích”, kết nối và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế gần nhau hơn một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Bà đề cập đến “tinh thần” của ngành triển lãm, bà có thể nói cụ thể hơn về khái niệm này?
Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào ngành triển lãm. Tôi lấy con số 53 triển lãm tổ chức trong một năm tại SECC (TP. Hồ Chí Minh) là minh họa, tương đương 1 tuần diễn ra 1 triển lãm. Con số này tạo nhiều sức ép để thu hút doanh nghiệp tham gia và tham quan, nhưng với quan điểm của doanh nghiệp (Vinexad) - với tư cách là đơn vị đầu tiên (flagship) trong ngành triển lãm.
Chúng tôi tự hào với những sự kiện lâu đời nhất tại Việt Nam (Vietnam Expo Hà Nội 2020 tròn 30 năm), những triển lãm chuyên ngành tiên phong như Triển lãm Ngũ kim & Dụng cụ cầm tay (Hardware & HandTools) đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các triển lãm chuyên ngành (30%) đã và đang nỗ lực đóng góp một phần vào chủ trương phát triển ngành cơ khí của Chính phủ hiện nay.
“Tinh thần” nghề triển lãm được hiểu như đề cao giá trị lợi ích của doanh nghiệp, quyết tâm vào mục tiêu đóng góp phát triển ngành thông qua các triển lãm.
Trân trọng cám ơn bà!