Hiểu sao cho đúng về chuyện nhập linh kiện Trung Quốc và hàng “made in Vietnam”

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo VCCI cho rằng việc một doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc hay một nước nào khác về để lắp ráp nên sản phẩm của doanh nghiệp là điều hết sức bình thường.

Hiểu sao cho đúng về chuyện nhập linh kiện Trung Quốc  và hàng “made in Vietnam” - 1
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những chia sẻ làm rõ hơn xung quanh vấn đề nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu… từ Trung Quốc về Việt Nam hiện nay.

Thời gian gần đây xuất hiện loạt thông tin lùm xùm vụ Asanzo nhập linh kiện rồi xé nhãn Trung Quốc, lột tem và dán tem nhãn "made in Vietnam" vào để “đánh lừa” người tiêu dùng.

Vụ việc dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng song nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận và cũng chính từ lùm xùm này, người ta đặt ra nhiều câu hỏi hơn về vấn đề xuất xứ hàng hoá…

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề xuất xứ hàng hoá, nhằm giúp dư luận hiểu rõ hơn, tránh sự đánh đồng tất cả các doanh nghiệp đang nhập khẩu kinh kiện về lắp ráp?

-Việc một doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hay thị trường khác nào đó về để lắp ráp nên sản phẩm của doanh nghiệp không có gì đáng nói. Đó là điều hết sức bình thường.

Nhiều năm nay, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ thị trường Trung Quốc, chiếm chủ yếu trong kim ngạch nhập khẩu là nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất bao gồm các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước.

Trung Quốc cũng là công xưởng của cả thế giới nên cũng không có gì lạ nếu đặt hàng họ sản xuất linh kiện, sản phẩm nhưng theo quy chuẩn đặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi lấy ví dụ, như nhiều hãng quần áo thời trang chẳng hạn, từ vải cho đến sợi chỉ đều nhập từ Trung Quốc. Nhưng về Việt Nam chúng ta gia công, sản xuất, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định thì vẫn là hàng Việt Nam.

Trong quy tắc xuất xứ hàng hoá có quy tắc tỷ lệ phần trăm và chuyển đổi mã hàng hoá. Đối với quy tắc tỷ lệ phần trăm thì hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tại Việt Nam phải trên 40%.

Nếu doanh nghiệp mà không đáp ứng được tỷ lệ đó tức là không đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hoá Việt Nam.

Còn đối với chuyển đổi mã hàng hoá cho phép doanh nghiệp nhập khẩu 100% nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất, gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Nói rõ hơn, quy tắc này cho phép doanh nghiệp nhập khẩu 100%, miễn sao 1 trong 4 số thay đổi hoặc 1 trong 6 số mã số HS của sản phẩm thay đổi, là sản phẩm thoả mãn được quy định về quy tắc xuất xứ.

Cái sai của doanh nghiệp là khi họ cố tình gian lận, xé tem nhãn Trung Quốc hoặc dán đè lên, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhập hàng nước khác về bán nhưng lại gắn mác hàng Việt Nam để lừa dối khách hàng.

Cần lên án hành vi này để thiết lập nền tảng đạo đức kinh doanh trung thực cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc lên án hành vi kinh doanh sai trái nêu trên không thể đánh đồng với tất cả việc nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu, thiết bị… từ Trung Quốc hoặc các nơi khác về để lắp ráp.

Bản thân các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam cũng nhập linh kiện từ nơi khác về Việt Nam lắp ráp và sản xuất hàng hoá. Thế giới có xu hướng hội nhập, độ mở cửa của nền kinh tế cao và phụ thuộc lẫn nhau.

Hiểu sao cho đúng về chuyện nhập linh kiện Trung Quốc  và hàng “made in Vietnam” - 2

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam/Ảnh: Quý Đoàn

Lên án hành vi sai trái nhưng không đánh đồng mọi doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện Trung Quốc

Có một thực tế, nhiều người tiêu dùng dè chừng hàng Trung Quốc, thâm chí có định kiến không tích cực về những hàng hoá sản xuất tại Việt Nam nhưng nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, linh kiện… từ Trung Quốc. Trong khi đó họ sẵn sàng bỏ ra chi phí đắt đỏ hơn nhiều để mua các sản phẩm từ châu Âu, từ Mỹ nhưng bản chất vẫn là “made in China”. Ông nghĩ sao về điều này?

-Tâm lý e ngại hàng Trung Quốc tại Việt Nam xuất phát từ việc nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Do đó khi nhắc đến các mặt hàng “Made in China”, người Việt luôn xuất hiện tâm lý nghi ngại khi quyết định mua sử dụng.

Điều này vô tình đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị từ Trung Quốc về sản xuất, lắp ráp hay đặt hàng, gia công sản xuất ở bên Trung Quốc.

Chúng ta không thể đánh đồng tất cả bởi hàng hóa được sản xuất tại một nước thứ 3 nào đó không cứ gì Trung Quốc thì vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cũng như những kiểm định gắt gao về chất lượng của doanh nghiệp trước khi nhập về Việt Nam.

Tôi cho rằng người tiêu dùng luôn hướng tới trở thành người tiêu dùng thông thái. Khi mua hàng, hãy đặt chất lượng, kiểu dáng và nhu cầu của mình lên hàng đầu chứ đừng quá quan tâm việc hàng đó từ nơi nào đến.

Người Việt nên tự hào, ủng hộ doanh nghiệp Việt, thúc đẩy họ và trao cho họ cơ hội để phát triển, có vậy nền kinh tế mới phát triển được.

Đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần ráo riết triệt phá các đường dây buôn lậu, làm hàng gian, hàng giả, bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trở lại về câu chuyện doanh nghiệp Việt nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu từ Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có đăng ký sở hữu, đóng thuế đầy đủ, có đủ thủ tục pháp lý, chất lượng về sản phẩm, có hệ thống bảo hành, phân phối chuyên nghiệp và khẳng định uy tín thương hiệu bằng chính sự lựa chọn người tiêu dùng?

-Nếu họ làm được như vậy thì nên ủng hộ và họ đáng được ủng hộ.

Như tôi đã đề cập, hiện việc nhập linh kiện từ Trung Quốc cho sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến, diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp.

Cũng không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và kiểm định chất lượng cần được thực hiện nghiêm hơn như vậy mới tạo lòng tin tốt hơn cho người tiêu dùng.

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, có công nghệ sản xuất hiện đại. Chúng ta lại ngay gần kề họ, chẳng có lý do gì không tận dụng, tiết kiệm vận chuyển, hạ giá thành, giúp người tiêu dùng vừa có hàng chất lượng sử dụng mà giá thành lại hợp lý.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc phân công lao động, bố trí chuỗi cung ứng trải rộng trên nhiều quốc gia khác nhau là rất phổ biến.

Chính vì vậy, việc doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đặt gia công, sản xuất một số chi tiết, bộ phận ở nước ngoài rồi tiếp tục sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam là hết sức bình thường.

Về nguyên tắc, những gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được quyền làm. Họ nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, còn nội địa hóa được bao nhiêu để sản phẩm hoàn thiện có giá thành bán ra cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường cũng là điều dễ hiểu.

Không phủ nhận thực tế là có một số doanh nghiệp làm ăn kiểu “treo đầu dê bán thịt không phải dê” bằng cách nhập nguyên chiếc rồi về tháo rời từng phần linh kiện về để lắp ráp tại Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam chất lượng cao, xuất xứ tại Việt Nam, thậm chí đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang các thị trường khác.

Đó là cách họ đánh vào tâm lý ủng hộ hàng Việt Nam của người dân, vi phạm đạo đức kinh doanh. Điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng đã quy định cung cấp sai thông tin, làm người dùng nhầm lẫn là hành vi vi phạm.

Nhưng ai sai thì phê phán, việc gì sai thì lên án, chúng ta không đánh đồng tất cả.

Điều quan trọng nhất bây giờ là cơ quan chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, xử lý hành vi vi phạm, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân.

Hiểu sao cho đúng về chuyện nhập linh kiện Trung Quốc  và hàng “made in Vietnam” - 3

Có ý kiến cho rằng đến nay chúng ta vẫn còn mập mờ khái niệm “made in Vietnam”, nhiều năm nay vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể, quy chuẩn cụ thể thế nào là “made in Vietnam”?

-Phải nói rằng chúng ta có quy định về xuất xứ nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn, quy định, định nghĩa cụ thể nào về khái niệm “Made in Vietnam”.

Hiện khái niệm “xuất xứ” từ Việt Nam thì có, nhưng “Made in Vietnam” thì chưa rõ lắm. Nhưng tôi nghĩ, hai khái niệm này khá tương đồng. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đây là cần đưa ra được một khái niệm thống nhất về vấn đề này.

Nếu việc này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, vì nếu không có quy định cụ thể nên doanh nghiệp không biết làm theo hướng nào, việc làm đó đúng hay sai…

Khi có quy định cụ thể doanh nghiệp mới làm đúng được. Ngược lại, quy định không rõ ràng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp “vô tình” vi phạm và vô tình bị xử lý.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Khánh (ghi)