Hiệu quả từ nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử: Tạo đột phá trong cải cách hành chính để phát triển

Trường Thịnh Hồng Sơn

(Dân trí) - Cho đến nay tại Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An việc CCHC và xây dựng chính quyền điện tử vẫn luôn được xem là khâu đột phá, là giải pháp then chốt mang lại hiệu quả lớn, góp phần tạo bước tiến dài trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Hiệu quả từ nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử: Tạo đột phá trong cải cách hành chính để phát triển - 1

Nhờ ứng dụng CNTT, Trung tâm GDMC - MCLT Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An luôn đem đến sự hài lòng cho người dân. Ảnh Hồng Sơn

Việc phổ biến, quán triệt các Nghị quyết chỉ đạo của Trung ương như: Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết 63/2010/NQ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính…, các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận, chương trình và Đề án của tỉnh về CCHC được Sở kế hoạch và Đầu tư duy trì thảo luận thường xuyên trong các buổi sinh hoạt Đảng, Đoàn thể và chuyên môn.

Bên cạnh đó Sở cũng ban hành nhiều quyết định, công văn chỉ đạo thực hiện như: Tuyên truyền, kiểm tra CCHC, hoạt động kiểm soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức, cải cách tài chính công và ứng dụng công nghệ thông tin thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành.

Thực hiện đúng quy trình việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành kế hoạch và đầu tư. Rà soát đầy đủ các văn bản QPPL như: Luật đầu tư công sửa đổi, Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, luật Quy hoạch, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, môi trường, đất đai… Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung lên các Bộ, Ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ.

Hiệu quả từ nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử: Tạo đột phá trong cải cách hành chính để phát triển - 2
Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghi Lộc đang hướng dẫn việc cắt giảm thời gian thực hiện các TTHC. Ảnh Hồng Sơn

Việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông luôn được Sở chú trọng. Nếu như năm 2016 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở là 261 thủ tục trong đó 222 thủ tục mới ban hành và 39 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Thì đến năm 2019, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 21/6/2019.

Theo đó lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã được đơn giản hoá, từ 210 thủ tục xuống cón 103 thủ tục. Các thủ tục thuộc lĩnh vực đầu tư Việt Nam, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, đấu thầu thẩm định dự án và nông nghiệp nông thôn đều giảm rõ rệt.

Duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa - một cửa liên thông và quy trình thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đến nay bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã thực hiện và trả kết quả 155/155 thủ tục cho tổ chức, cá nhân trên 4 lĩnh vực: Đấu thầu, thẩm định dự án; đầu tư ngoài ngân sách; đăng ký kinh doanh và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Rút ngắn 1/3 thời gian theo quy định xử lý hồ sơ thành lập mới đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh và thay đổi đăng ký kinh doanh. Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trúng đấu giá, đấu thầu xuống còn 10 ngày thay vì 15 ngày theo quy định. Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư từ 7 ngày xuống còn 2 ngày.

Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của Sở kế hoạch và Đầu tư Nghệ An ngày càng được khẳng định về mọi mặt, tương đối đồng đều về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tác phong làm việc chuyên nghiệp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hàng năm thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại công chức bảo đảm chính xác, khách quan từ đó làm căn cứ cho việc bố trí, xắp xếp, quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm.

Trong quá trình triển khai thực hiện CCHC, huyện Nghi Lộc là đơn vị được đánh giá cao trong việc xây dựng nhiều mô hình CCHC. Theo đó, 4 xã gồm: Nghi Phong, Nghi Đồng, Nghi Long và Nghi Văn sau khi được khảo sát đánh giá thực trạng, huyện đã hỗ trợ mỗi xã 100 triệu đồng.

Đến nay các xã đã hoàn thành việc nâng cấp Bộ phận một cửa, đáp ứng được nhu cầu làm việc của cán bộ công chức và nhân dân đến giao dịch. Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghi Lộc cho biết: “Việc tiếp nhận cho từng loại giấy tờ, hồ sơ được quản lý khao học và chặt chẽ. Cán bộ của phòng luôn có tinh thần trách nhiệm, thái độ chân tình, cởi mở khi hướng dẫn cho người dân đến làm việc tại phòng”.

Tất cả các quy trình từ tiếp nhận văn bản đến, chuyển giao phân công xử lý đến phát hành văn bản đi đều thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng thể hiện việc ứng dụng CNTT trong các phần việc luôn được đơn vị chú trọng.

Việc triển khai sử dụng hệ thống, quy trình kiểm tra chất lượng được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO. Đến nay 100% cán bộ công chức thường xuyên sử dụng hộp thư cá nhân. 89 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 và mức 4, 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh đều đăng ký qua mạng.

Để có kết quả tốt và thiết thực cho công việc CCHC, trong thời gian tới Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cần tăng cường chỉ đạo thực sự quyết liệt hơn nữa, sâu sát và kịp thời.

Thường xuyên thực hiện lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp đối với việc đáp ứng các TTHC của đơn vị mình. Tích cực hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xử lý công việc để hỗ trợ tốt cho công tác CCHC. Tăng cường tính công khai minh bạch và hiệu quả giám sát thực hiện.