1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Hiệp hội thép đề nghị chính quyền Đà Nẵng ‘khoan’ di dời nhà máy thép

(Dân trí) - Lý do là để hơn 1.500 cán bộ công nhân viên làm việc ở đây cần ổn định cuộc sống, đồng thời giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.


Người dân ở khu vực quanh nhà máy đồng tình với quyết định của UBND Thành phố đóng cửa 2 nhà máy này (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Người dân ở khu vực quanh nhà máy đồng tình với quyết định của UBND Thành phố đóng cửa 2 nhà máy này (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Hiệp hội Thép Việt Nam vừa có văn bản gửi các bộ ngành liên quan phản ánh việc TP Đà Nẵng yêu cầu hai doanh nghiệp là Công ty CP Thép DANA – Ý và Công ty CP Thép DANA – Úc phải ngừng hoạt động sản xuất từ ngày 2/3/2018. Theo Hiệp hội, di dời nhà máy cần có lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi dần dần nhằm ổn định phần nào cuộc sống cho 1.500 cán bộ công nhân viên và gia đình họ. Đồng thời, việc di dời này không gây quá nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đồng ý với chủ trương di dời, song theo Hiệp hội, việc ra quyết định di dời đột ngột không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người lao động mà còn mâu thuẫn với chính những văn bản mà Đà Nẵng đã ban hành trước đó.

Cụ thể, ngày 29/12/2016, TP Đà Nẵng có văn bản số 197 thông báo kết luận của chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, trong đó yêu cầu: “Di dời ngay các hộ nằm sát khu vực 2 nhà máy để nhà máy hoạt động trong thời gian khấu hao tài sản, thu hồi vốn; đồng thời xác định thời gian để di dời nhà máy với phương án, lộ trình di dời cụ thể. Sở Tài nguyên và Môi trường xác định phạm vi di dời cụ thể, kết hợp với việc nâng cao công nghệ để đảm bảo môi trường trong thời gian tiếp tục sản xuất”.

Cũng theo văn bản kết luận này, Chủ tịch Thơ cũng yêu cầu việc “di dời các hộ dân nằm trong khoảng cách ly an toàn đối với nhà máy thép theo quy định của pháp luật trong thời gian các nhà máy này tiếp tục hoạt động và tồn tại”.

Tiếp đó, ngày 13/3/2017, UBND TP Đà Nẵng ra tiếp công văn số 730 thông báo kết luận của Chủ tịch và các Phó chủ tịch, trong đó nêu: “Thống nhất phương án di dời sớm các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực…” và “... Phần đất sau khi di dời giải tỏa giao lại cho hai nhà máy sử dụng theo quy hoạch và mục đích sử dụng do thành phố quy định”.

Tuy nhiên, ngày 2/3/2018, Đà Nẵng bất ngờ ra thông báo số 1446 yêu cầu ngừng toàn bộ hoạt động của hai nhà máy này bắt đầu từ ngày 2/3/2018. Theo Hiệp hội việc đột ngột thông báo ngừng, đồng thời ra các văn bản trái ngược nhau như vậy gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp. Hàng nghìn công nhân có nguy cơ bị mất việc làm. Chưa kể, đơn hàng cho đối tác, hợp đồng mua bán nguyên vật liệu, lãi suất vay ngân hàng… cũng khó có thể thực hiện được theo yêu cầu.

Hiệp hội cho rằng, quyết định di dời đột ngột có thể khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng và thương hiệu mà họ mất công xây dựng 30 năm qua cũng đổ sông đổ bể, nên rất mong TP Đà Nẵng xem xét lại.

Sự vụ xảy ra bắt đầu từ ngày 26/2 khi hàng trăm người dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang tụ tập trước Nhà máy thép DANA- Ý ngăn cản không cho nhà máy hoạt động. Người dân che bạt, tụ tập thành từng nhóm, mang theo cả đồ ăn, thức uống đứng trước cổng nhà máy. Theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay, hoạt động sản xuất của Nhà máy thép DANA- Ý gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng sống chung với ô nhiễm do Nhà máy thép DANA- Úc và Nhà máy thép DANA- Ý gây ra. Chính quyền địa phương đã nhiều lần họp dân, đối thoại để tìm hướng xử lý nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

H.Anh

Hiệp hội thép đề nghị chính quyền Đà Nẵng ‘khoan’ di dời nhà máy thép - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm