Hiệp hội taxi Hà Nội: Grab đã "biến hình", không phải kinh tế chia sẻ

An Linh

(Dân trí) - "Nếu là kinh tế chia sẻ thì tại sao phải thưởng, tại sao phải khuyến khích. Nếu đúng là kinh tế chia sẻ, lái xe rảnh thì chạy, không thì thôi và sẽ không bao giờ nhận được ưu đãi", ông Minh nói.

Đây là khẳng định của ông Phạm Bình Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - tại Hội thảo lấy ý kiến các học giả, giới chuyên gia và dư luận báo cáo đánh giá tác động một số loại hình kinh tế chia sẻ chính đối với nền kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, gửi Chính phủ - do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày hôm nay (8/12), tại Hà Nội.

Hiệp hội taxi Hà Nội: Grab đã biến hình, không phải kinh tế chia sẻ - 1

Các Grab Bike đang biểu tình vì chính sách tăng cước của hãng sẽ gây bất lợi cho lái xe  (ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Bình Minh, Grab luôn tự nhận họ là loại hình kinh tế chia sẻ nhưng họ đã và đang thay đổi nhanh về mô hình, cách thức liên kết với các đối tác.

"Trước đây Grab luôn nói không kinh doanh vận tải, nhưng thực chất là họ kinh doanh vận tải chứ không phải kinh tế chia sẻ. Nếu họ là kinh tế chia sẻ thì không bao giờ họ để cước cao như hiện nay, bởi vì sẽ hạn chế đối tác tham gia. Họ sẽ để cước thấp, ai chạy được thì chạy, không chạy thì thôi" - ông Minh nói.

Theo ông Minh, hiện để được ưu tiên và nhận cuốc xe nhiều, các lái xe Grab phải có trên 90% tỷ lệ nhận cuốc/ngày và phải dựa khách hàng chấm sao. Nếu không thỏa mãn, họ sẽ không có sự ưu tiên nhận "cuốc" xe hoặc bất cứ ưu đãi nào.

"Điều này khác với kinh tế chia sẻ thông thường, nếu là kinh tế chia sẻ, lái xe rảnh thì họ chạy, còn không thì thôi. Mà nếu chỉ có rảnh mới chạy xe, áp dụng vào trường hợp của Grab tại Việt Nam, lái xe sẽ không bao giờ nhận được cuốc và ưu đãi" - ông Minh nêu vấn đề.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, mô hình của Grab đang biến đổi và cơ quan Nhà nước cần nhận thấy sự biến đổi đó để giám sát hoặc quản lý hiệu quả chống việc phát sinh nhiều vấn đề.

"Bản chất của xe công nghệ tại Việt Nam hiện nay là chuyển phương thức kinh doanh của mình từ truyền thống sang nền tảng kinh tế số chứ không phải là kinh tế chia sẻ thực chất. Vì vậy, cần phải nhóm chúng vào một loại hình doanh nghiệp để quản lý đúng, trúng" - ông Minh nói.

Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - cho biết: "Các loại hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang khiến cuộc cạnh tranh trong ngành rất quyết liệt. Các ngân hàng thương mại đang phải thay đổi tầm nhìn và chiến lược và chắc chắn thời gian tới sẽ phải tái cơ cấu chi nhánh và thải loại nhân viên".

Ông này cho rằng, các Fintech sẽ là các siêu thị tài chính, cạnh tranh quyết liệt ngân hàng. Đối với các đối thủ cạnh tranh mới ra nhập thị trường, ngân hàng sẽ bị giảm thị phần, bị phá thế độc tôn trên thị trường.

"Ngành ngân hàng phải thay đổi toàn diện, nền kinh tế xuất hiện mô hình mới phải có chính sách quản lý mới, khung pháp lý mới. Không thể lấy chính sách cũ chụp lên cái mới như kiểu lấy váy hoa hậu để chụp lên em bé mới ra đời được" - ông Hòe nói.

Tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, kinh tế chia sẻ trong du lịch chủ yếu tập trung vào kinh doanh thuê khách sạn, phòng nghỉ qua mạng, mô hình này đang bùng phát ở Việt Nam.

"Tôi thấy Airbnb - một loại hình cho thuê phòng nghỉ bắt đầu vào Việt Nam từ 2015, với 1.000 phòng cho thuê, đến năm 2019 họ có hơn 40.000 phòng cho thuê, tốc độ phát triển rất lớn. Tuy nhiên, các loại hình kinh tế chia sẻ phòng nghỉ ở Việt Nam có đặc điểm thiếu minh bạch, thiếu tiêu chuẩn. Hơn nữa, việc quản lý, thu thuế các đối tượng này rất khó khăn, thách thức" - đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam nói.