Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Hành trình 25 năm đồng hành cùng ngành ngân hàng và các hội viên
(Dân trí) - “Tầm nhìn, cũng như các hành động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) đã theo kịp xu hướng hoạt động tài chính ngân hàng hiện đại, hỗ trợ tốt các tổ chức thành viên của mình trong công tác đào tạo, truyền thông, phản biện chính sách, mở rộng quan hệ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận xét.
Ngày 14/5/2019 tới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam-một trong những tổ chức hiệp hội nghề nghiệp đầu tiên được thành lập vào thời kỳ đổi mới của đất nước sẽ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập của mình (1994-2019).
Hiện nay, HHNH có 65 tổ chức hội viên (TCHV). Hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đều là thành viên của HHNH, trong đó, có một số ngân hàng, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài. Do đó hội viên của Hiệp hội đóng vai trò chủ chốt trên thị trường tiền tệ của Việt Nam (chiếm thị phần rất cao trên toàn thị trường với tổng tài sản trên 10,2 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 92% so toàn ngành; vốn điều lệ trên 492,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 80% so toàn ngành - số liệu đến cuối năm 2018).
Một phần tư thế kỷ đã qua, HHNH đã luôn tích cực hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, đồng hành cùng sự phát triển của các TCHV, góp phần hỗ trợ các hội viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển lành mạnh, đúng hướng, đáp ứng những yêu cầu cụ thể của các tổ chức hội viên trong bước đường phát triển.
TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV nhận xét: “HHNHVN đã nhiều lần lên tiếng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, đặc biệt là một số vụ việc liên quan đến Tòa án yêu cầu thu hồi các khoản phải trả của các TCTD. Nhờ HHNH có tiếng nói kịp thời nên những vụ việc đó đã được các cơ quan chức năng cân nhắc và xử lý phù hợp hơn, góp phần giúp hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung và các hội viên nói riêng ổn định, không có sự xáo trộn, không gây bất lợi cho hoạt động của thị trường.”
HHNH cũng đã góp phần phát triển nguồn nhân lực cho hội viên thông qua các khóa đào tạo, hội thảo, tọa đàm những vấn đề nổi lên trong cơ chế, chính sách liên quan đến ngân hàng, xu hướng tài chính ngân hàng mới, đổi mới công nghệ tài chính…Gần đây, HHNH đã ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” được lãnh đạo NHNN ủng hộ, phát động toàn Ngành triển khai thực hiện.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, HHNH rất quan tâm đến duy trì và phát triển tốt quan hệ hợp tác với các tổ chức và đối tác quốc tế, đem lại những lợi ích thiết thực cho hội viên, thực hiện các cam kết quốc tế và nâng cao dần vị thế của HHNH Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế liên quan. Đến nay, HHNH Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác với trên 30 hiệp hội ngân hàng các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế khác, tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế về các chủ đề thời sự liên quan hoạt động ngân hàng, công nghệ ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức hội viên giao lưu, kết nối với các đối tác và bạn hàng quốc tế...
Đoàn công tác HHNH Việt Nam làm việc, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại HHNH Đài Loan (Trung Quốc), tháng 10/2018
Các tổ chức trực thuộc HHNH ngày càng chuyên nghiệp, có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam. Hội thẻ Ngân hàng (thuộc HHNH) được thành lập từ năm 1996, đến nay gồm 42 thành viên đã thực sự trở thành đầu mối liên kết các ngân hàng thành viên, làm cầu nối giữa các thành viên với cơ quan quản lý, các tổ chức thẻ quốc tế, thúc đẩy thị trường thẻ Việt Nam phát triển, góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN.
Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng với 52 hội viên, đã tập hợp được nhiều ngân hàng và tổ chức luật sư, tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động ngân hàng; nghiên cứu, phân tích và tổng hợp những bất cập, vướng mắc và xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với HHNH để phản ảnh, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; hỗ trợ HHNH thực hiện chức năng làm cầu nối giữa hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV.
Câu lạc bộ Fintech mới được thành lập cuối năm 2017 thu hút được 32 hội viên (gồm cả tổ chức và cá nhân), có những hoạt động ban đầu tích cực, góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực công nghệ ngân hàng, thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty fintech, tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động fintech và hình thành hệ sinh thái fintech ở Việt Nam.
Chia sẻ về định hướng hoạt động của HHNH trong chặng đường tiếp theo, ông Phan Đức Tú-Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: HHNH sẽ tập trung làm tốt công tác tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức hội viên; Thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV; Phát huy tốt hơn nữa vai trò liên kết, vận động TCHV của Hiệp hội, kịp thời nắm bắt và đáp ứng những nhu cầu của hội viên, đồng thời tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, cạnh tranh lành mạnh, vì lợi ích chung của cộng đồng; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, triển khai có hiệu quả việc thực hiện "Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng", có kế hoạch tiến tới đào tạo chứng chỉ hành nghề cho cán bộ ngân hàng; Tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đem lại lợi ích thiết thực cho tổ chức hội viên, thực hiện tốt trách nhiệm và cam kết với các đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng, HHNH cần đẩy mạnh hơn hoạt động truyền thông, phản biện chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên cần sát thực tiễn hơn nữa, bởi diễn biến của thị trường biến động rất nhanh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi ý HHNHVN cần có những diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong ngành ngân hàng, bao gồm cả những vấn đề mang tính nhạy cảm như ngân hàng trở thành công cụ của tội phạm tham nhũng, sự thao túng của lợi ích nhóm, sở hữu chéo. Những kinh nghiệm quí báu liên quan đến tội phạm trong ngành ngân hàng nên được chia sẻ vả học hỏi, để rút kinh nghiệm và đối phó.
AH