Hiệp hội Mía đường: Đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc có thể làm hỏng gan!

(Dân trí) - Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, loại đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) hiện đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc vào Việt Nam với số lượng lớn và có thể gây nguy cơ gây tổn thương gan, tiểu đường, ung thư,…

Những thùng đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc.
Những thùng đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong một văn bản mới ban hành, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, dù đã điều chỉnh kế hoạch bán hàng và giá bán phù hợp nhưng lượng tiêu thụ đường mía niên vụ 2017-2018 vẫn rất chậm.

Hiện tại giá đường bán tại các nhà máy đã gần sát giá đường nhập lậu đang bán trên thị trường. Thậm chí, một số nhà máy đang có nguy cơ thua lỗ và nợ tiền mua miếng nguyên liệu của nông dân hàng trăm tỷ đồng một nhà máy.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) đang được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn và ngày càng có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất đường mía nội địa.

Đáng lưu ý, theo phân tích của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, HFCS có phân tử fructose sẽ vào thẳng trong gan và hình thành chất béo. Đây là lý do tại sao HFCS là nguyên nhân chính gây tổn thương gan và gây nên tình trạng mỡ trong gan mà nhiều người đang mắc phải.

Glucose có trong HFCS được hấp thụ vào máu cũng sẽ nhanh chóng kích hoạt sản xuất số lượng lớn Insulin – hormone lưu trữ chất béo chủ yếu ở cơ thể.

Cả hai thuộc tính trên của HFCS điều dẫn tới tăng nhiễu loạn hấp thụ khiến thèm ăn, tăng cân, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ.

Lượng fructose cao còn tạo ra lỗ thủng ở ruột cho phép các sản phẩm phụ là vi khuẩn đường ruột độc hại và chất đạm từ thức ăn vừa được tiêu hóa một phần tiến thẳng vào máu gây ra viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, hóa chất sử dụng trong quá trình thủy phân ngô để tạo ra đường lỏng cũng có loại không an toàn cho người sử dụng.

Đáng nói, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, lượng đường lỏng từ tinh bột ngô này được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với sản lượng nhập khẩu trong giai đoạn 2015-2017 chiếm hơn 90% tổng sản lượng và kim ngạch nhập khẩu.

Đường lỏng Trung Quốc đang uy hiếp đường mía Việt với giá rẻ, ngọt hơn và được nhập khẩu tràn lan. (Đồ họa: Thùy Trang)
Đường lỏng Trung Quốc đang uy hiếp đường mía Việt với giá rẻ, ngọt hơn và được nhập khẩu tràn lan. (Đồ họa: Thùy Trang)

Tuy nhiên, dù có nhiều ảnh hưởng nguy hại như vậy nhưng bởi HFCS vừa rẻ vừa ngọt hơn đường mía nên đang được nước ta nhập khẩu ồ ạt.

Cụ thể, HFCS có độ ngọt cao hơn đường mía khoảng gấp 1,1 đến 1,3 lần, nên nó đang được sử dụng thay thế một phần hoặc hoàn toàn cho đường mía làm nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm và dược phẩm.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, số lượng nhập khẩu HFCS liên tục gia tăng một cách đột biến trong giai đoạn 2015-2017. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng lượng nhập khẩu HFCS vào Việt Nam đã là 89.343 tấn, tăng 31,7% so với năm 2005.

Thêm nữa, giá của HFCS trong giai đoạn 2015-2017 rẻ hơn rất nhiều so với giá đường nội địa và có chiều hướng ngày càng giảm do công nghệ sản xuất HFCS ngày càng được cải tiến.

Mặt khác, HFCS lại được hưởng ưu đãi từ chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu hiện hành của chính phủ Việt Nam. Cụ thể, HFCS đang được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0% và không áp dụng hạn ngạch.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với đường mía trong hạn ngạch cũng chịu mức thuế 5%, ngoài hạn ngạch đối với đường trắng và đường thô lần lượt lên tới 85% và 80%.

Việc áp dụng chính sách thuế không đồng nhất như vậy càng làm trong khoảng chênh lệch về giá bán giữa mặt hàng HFCS và mặt hàng đường mía sản xuất trong nước càng khó có khả năng thu hẹp.

“Nếu tình hình này kéo dài mà không có sự can thiệp và điều chỉnh chính sách hiệu quả từ phía Nhà nước đối với mặt hàng HFCS thì thiệt hại của ngành mía đường trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến sự tồn tại của một số nhà máy quy mô nhỏ trước tình hình HFCS được nhận nhập khẩu tăng đột biến trong các năm qua và trong thời gian tới”, ông Doanh cho biết thêm.

Hồng Vân

Hiệp hội Mía đường: Đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc có thể làm hỏng gan! - 3