Hiệp hội Giấy và Bột giấy: Tổng cục Hải quan ban hành 2 văn bản làm khó doanh nghiệp

(Dân trí) - Các doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy cho rằng, quy định của cơ quan quản lý đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho xã hội.

Doanh nghiệp ngành giấy lo bị ảnh hưởng do quy định siết nhập khẩu giấy phế liệu của Tổng cục Hải quan.
Doanh nghiệp ngành giấy lo bị ảnh hưởng do quy định siết nhập khẩu giấy phế liệu của Tổng cục Hải quan.

Theo nguồn tin của Dân trí, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Công Thương phản ánh, việc Tổng cục Hải quan tăng cường quản lý phế liệu là việc làm cần thiết, không để các doanh nghiệp lợi dụng chính sách để nhập khẩu những chất thải nguy hại, ảnh hưởng sức khoẻ người dân và môi trường sống.

Tuy nhiên, Hiệp hội này cho rằng, Tổng cục Hải quan ban hành 2 công văn, trong đó yêu cầu hàng hoá nhập khẩu là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quản giám định không được quy định.

“Chỉ một mặt hàng giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này”, Hiệp hội cho biết.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, quy trình trên của Tổng cục Hải quan dẫn đến làm tăng thời gian chờ đợi thông quan của lô hàng, gây ách tắc hàng hoá tại cảng, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác của doanh nghiệp.

"Đồng thời, việc này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho xã hội, làm cho hàng hoá Việt Nam không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước”, công văn nêu.

Số liệu được dẫn ra cho biết, kể từ ngày 26/6/2018 đến nay, riêng một số doanh nghiệp ngành giấy có hàng bị ách tắc tại cảng lên đến hàng nghìn container, dẫn đến chi phí lưu kho của các doanh nghiệp rất lớn, không có nguyên liệu sản xuất, bắt buộc dừng máy, có nguy cơ bị phạt hợp đồng với các đối tác nước ngoài rất cao.

Mặt khác, nhóm các doanh nghiệp trong ngành giấy cho rằng, sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

"Thế giới từ lâu cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc thu gom, tái chế giấy và không coi giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy tái chế là giấy phế liệu và không quản lý mặt hàng này như tất cả các loại phế liệu khác”, Hiệp hội cho biết.

Hiệp hội cũng cho rằng, những quy định trên của Cục Giám sát quản lý về hải quan hoàn toàn chưa phù hợp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Phương Dung

Hiệp hội Giấy và Bột giấy: Tổng cục Hải quan ban hành 2 văn bản làm khó doanh nghiệp - 2