“Hiện tượng lạ” trên thị trường tiêu dùng
(Dân trí) - Trong khi người tiêu dùng “nóng mặt” vì giá lương thực thực phẩm tăng vù vù thì các mặt hàng điện máy lại “đua nhau” khuyến mãi. Hàng giảm giá thì không cần, hàng không cần thì không giảm…nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là “hiện tượng lạ”...
Chuyện “nghịch mùa”
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, thế nhưng dù đã được “bảo trợ” trên danh nghĩa bình ổn nhưng giá thực phẩm vẫn tăng trên thị trường, còn người dân thì không còn cách nào khác là phải thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, những mặt hàng được gọi là để “giải trí” thì các chương trình khuyến mãi liên tiếp được tung ra.
Nhiều người cho rằng, trong sinh hoạt hàng ngày thì 70% nhu cầu tập trung vào ăn, vì vậy cái mà người tiêu dùng cần là giảm giá thực phẩm, còn nhu cầu mua sắm hàng điện máy chỉ là thứ yếu.
Lương thực, thực phẩm mới là mặt hàng người tiêu dùng mong muốn hạ giá
Chị Dung (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) dẫn chứng: “Gia đình tôi có 7 người và tất cả những con người này đều phải ăn hàng ngày để sống. Nhà tôi chỉ có 1 cái ti vi, cái ti vi này 7 người xem đã 3 năm vẫn chưa phải đổi. Lúc này đây tôi cần thực phẩm để nuôi sống gia đình, còn ti vi thì không xem cũng chẳng sao.
Tuy nhiên, tôi không thể hiểu được kiểu giảm giá lạ lùng trên thị trường hiện nay, thực phẩm cần thì không giảm, hàng điện máy đua nhau giảm thì thực sự không cần…”.
Chung quan điểm với chị Dung, chị Hà (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi đi chợ hàng ngày và thấy giá cả mỗi ngày một khác, hàng hóa không giảm mà chỉ có tăng. Tay mình chi tiêu mà như bị “móc túi”, hơn lúc nào hết cái quan tâm nhất của những bà nội trợ như chúng tôi là bữa ăn của gia đình chứ không phải chuyện đi mua sắm hay giải trí…”.
Sự biến động của thị trường tiêu dùng hiện nay không có gì phải bàn cãi, nhưng sự “nghịch mùa” của các mặt hàng cần khuyến mãi, bình ổn trong thời “bão giá” lại là chuyện mà nhiều người bận tâm.
Anh Phong (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho rằng: “Các chương trình khuyến mãi lúc này “nở rộ” như 1 phong trào, khuyến mãi một cách tùy tiện và thái quá. Thực tế, phải có lãi thì mới kinh doanh nhưng đằng này các doanh nghiệp lại giảm giá quanh năm thì thử hỏi lãi ở đâu ra?
Phải chăng nhà kinh doanh đang lừa dối người tiêu dùng bằng những loại hàng hóa quá đát? Các doanh nghiệp muốn khuyến mãi cũng phải tìm hiểu xem nhu cầu của người tiêu dùng là gì chứ, dạ dày tôi đang trống rỗng mà lại mời tôi mua máy giặt giảm giá ư?”.
Bất cập từ “hiện tượng lạ”
Trao đổi với PV Dân trí về thị trường hiện nay, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội), cho biết: “Kích cầu tiêu dùng là tốt nhưng kích thích không đúng nhu cầu thực sự của người tiêu dùng thì lại trở thành bất cập”.
Nói ví von về vấn đề hàng khuyến mãi và chất lượng sản phẩm, ông Phú gọi đó là những “hiện tượng lạ” của thị trường tiêu dùng.
Hàng điện máy khuyến mãi nhan nhản trên thị trường (ảnh: Quang Phong)
“Chuyện các doanh nghiệp tự nâng giá lên rồi lại hạ giá xuống là có thật. Thực tế, không ai biết giá gốc của sản phẩm là bao nhiêu nên doanh nghiệp cứ nâng lên 50% rồi lại khuyến mãi 20%, cứ như vậy thì doanh nghiệp không mất gì mà khách hàng cũng chẳng được lợi.
Khuyến mãi hàng quá đát, chất lượng sản phẩm thì mập mờ, khuyến mãi không minh bạch, khách hàng may mắn bốc thăm trúng thưởng thì khó mà lấy được quà, nhiều siêu thị xếp đầy ô tô ở cửa để nói là mua hàng trúng thưởng lớn nhưng ít thấy doanh nghiệp công bố người trúng thưởng.
Trong khuyến mãi ngoài quốc doanh, 30% hàng khuyến mãi là có vấn đề, kinh doanh phải có lãi nhưng có lãi kiểu lừa lọc, móc túi người tiêu dùng bằng mọi cách, thiếu đạo đức thì vứt đi…” - ông Phú cho hay.
Chưa hết, người tiêu dùng không được biết giá gốc của sản phẩm, chưa bao giờ được so sánh với giá chuẩn của sản phẩm định mua mà thường bị choáng ngợp khi bước vào siêu thị lớn căng đầy biển hiệu khuyến mãi.
Thực tế, giá niêm yết trên sản phẩm và giá bán khuyến mãi không thể coi là căn cứ để xác định giá chuẩn từ nhà sản xuất. Trong khi đó, giá bán là do doanh nghiệp tự làm và công bố, không có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan quản lý hay tổ chức định giá nào.
“Các cơ quan chức năng phải ngồi lại bàn bạc với nhau, thống nhất với nhau, phải vào cuộc và làm hết chức năng, trách nhiệm của mình để bảo vệ người tiêu dùng. Còn với cách làm “nửa vời” thì các doanh nghiệp vẫn có cơ hội để khuyến mãi kiểu lừa lọc và người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi vô lý” - ông Phú nhấn mạnh.
Quỳnh Anh