Hiện tượng "lạ" FLC; Phát biểu đáng chú ý của CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng
(Dân trí) - Vẫn là FLC! Nhiều nhà đầu tư cảm thấy kỳ lạ khi không thể nào giao dịch tại các mã cổ phiếu trên sàn HSX thế nhưng FLC vẫn khớp lệnh và… tăng trần.
Chỉ số VN-Index không có nhiều biến động trong phiên chiều 23/3, thanh khoản rất thấp. Nguyên nhân là ngay từ khi bắt đầu quay lại giao dịch thì sàn HSX đã bị "đơ", "nghẽn" lệnh.
Nhà đầu tư chẳng những không thể đặt lệnh, lệnh đặt bị trả về, không khớp mà việc theo dõi giá cổ phiếu trên thị trường cũng gặp khó khăn. Khách hàng của một công ty chứng khoán lớn còn cho biết, ngay từ phiên buổi sáng, họ đã bị "hớ" khi mua cổ phiếu do giá cổ phiếu hiển thị trên bảng giá của công ty này không đúng giá thực tế.
Chính bởi vậy, nhiều nhà đầu tư hoàn toàn "bó tay" khi đưa ra quyết định giao dịch mua - bán và chỉ có thể ngồi nhìn thị trường.
Đáng nói là trong bối cảnh thị trường "tê cứng" thì FLC vẫn giao dịch mạnh mẽ và tăng trần ngoạn mục lên 9.180 đồng/cổ phiếu. Khớp lệnh toàn phiên ở mã này lên tới hơn 45 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn có tới trên 31 triệu cổ phiếu dư mua giá trần.
Ngoài mã này, trong "họ" FLC, các mã KLF và ART cũng tăng trần. KLF tăng trần lên 3.700 đồng, khớp lệnh gần 19 triệu đơn vị; ART tăng trần lên 7.500 đồng, khớp lệnh 10,3 triệu cổ phiếu. ROS cũng tăng giá 3,5% lên 4.450 đồng, khớp lệnh 33,67 triệu cổ phiếu và AMD tăng nhẹ 0,8% lên 3.700 đồng.
FLC gần như "một mình một chợ" dù vẫn đang niêm yết trên sàn HSX. Trong phiên hôm qua, sàn này ghi nhận có 15.415 tỷ đồng được giải ngân, khối lượng giao dịch đạt gần 684 triệu đơn vị.
HNX có gần 164 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch xấp xỉ 2.590 tỷ đồng. Con số này trên UPCoM là 56 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 924 tỷ đồng.
VN-Index giảm "sốc" phiên sáng nhưng đóng cửa toàn phiên vẫn trên ngưỡng 1.180 điểm. Theo đó, chỉ số này đánh mất 10,98 điểm tương ứng 0,92% còn 1.183,45 điểm. HNX-Index giảm 2,5 điểm tương ứng 0,91% còn 272,34 điểm và UPCoM-Index giảm 0,13 điểm tương ứng 0,16% còn 81,14 điểm.
VN30-Index của nhóm cổ phiếu lớn giảm 11,56 điểm tương ứng thiệt hại 0,96%. Chỉ số VNSML-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng đánh mất 12,51 điểm tương ứng 0,96%. VNMID-Index của nhóm vốn hóa trung bình giảm 17,48 điểm tương ứng 1,19%.
Tình trạng giảm giá diễn ra trên quy mô rộng. Toàn thị trường có 607 mã giảm giá, 25 mã giảm sàn. Chiều ngược lại vẫn có 362 mã tăng, 74 mã tăng trần.
Trong rổ VN30 chỉ có 4 mã không giảm là PLX tăng 2,1%; GAS tăng 1,4%; FPT tăng nhẹ 0,1%, PNJ đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm. Riêng PDR giảm 6,4%; TCH giảm 2,4%; TCB giảm 2,1%, STB giảm 2,1%, BID cũng giảm 2,1%.
Tuy nhiên, trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, ngoài nhóm FLC vẫn có nhiều mã tăng trần mạnh mẽ như DAH tăng trần lên 6.280 đồng; CVT tăng trần lên 51.200 đồng; HCD tăng trần lên 4.050 đồng; SAV tăng trần lên 34.850 đồng, EVE tăng trần lên 15.700 đồng; HVH tăng trần lên 11.200 đồng và TVB tăng trần lên 14.400 đồng. Hầu hết mã này đều có dư mua trần, không còn dư bán.
Một số nhà đầu tư cho rằng tình trạng đơ nghẽn trên HSX đang gây thiệt hại đáng kể cho thị trường chung và tạo ra những bất công nhất định khi mã không giao dịch được, mã lại giao dịch rất mạnh mẽ.
Trong khi chờ phía FPT sẽ "test" nội bộ hệ thống giao dịch mới sàn HSX vào đầu tháng 4 tới thì mới đây, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav cũng khẳng định rằng: "FPT nói sửa nghẽn lệnh sàn HoSE trong thời gian 3 tháng tôi nghĩ là hoàn toàn trong tầm tay của họ".
Ông Quảng cho biết, nếu được giao sửa nghẽn sàn HSX thì Bkav cũng làm được, theo nghĩa khẳng định, năng lực của các doanh nghiệp trong nước là "làm được" chứ không có ý Bkav muốn cạnh tranh sửa nghẽn với doanh nghiệp khác.
Đáng chú ý, ông còn đưa ra đánh giá việc giao các dự án có tính hệ thống của quốc gia, ví dụ như xây dựng phát triển sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp tư nhân là "cực kỳ tốt". Doanh nghiệp tư nhân nên được tham gia làm những việc đó, vì năng lực của nhóm này bây giờ rất tốt.