Hết thời "nuông chiều" các khu kinh tế?

Bộ Tài chính vừa lắc đầu với một loạt đề xuất ưu đãi về thuế với khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).

Chưa phù hợp

Trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đề án Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại khu kinh tế mở Chu Lai, Bộ Tài chính cho rằng những đề xuất ưu đãi về thuế đối với khu kinh tế này là chưa phù hợp hoặc vượt quá thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

TTXVN dẫn thông tin cụ thể, về thuế thu nhập doanh nghiệp, đề án đưa ra ý kiến miễn thuế trong 4 năm đầu, áp thuế 5% trong 10 năm tiếp theo và 10% trong 6 năm tiếp theo. Ngoài ra, cơ quan xây dựng đề án cũng đề xuất áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% thêm 10 năm với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ngành công nghiệp ôtô, máy móc phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp có quy mô vốn trên 2.000 tỷ đồng hoặc thu hút trên 4.000 lao động.

Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Báo Quảng Nam

Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Báo Quảng Nam

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hà Lan dẫn dầu khối EU về FDI tại Việt Nam

* Hết thời 'nuông chiều' các khu kinh tế?

* Điều tra 185 vụ, 465 bị can phạm tội về tham nhũng trong quý I

* Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, chứng khoán đỏ sàn

* Bộ Tài chính "tuýt còi" yêu cầu giảm giá sữa

* Hé lộ khả năng Nam A Bank "về một nhà" với Eximbank

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành tài chính, nội dung ưu đãi trên là không phù hợp với quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại và vượt quá thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định hiện tại, doanh nghiệp có dự án đầu tư mới tại khu kinh tế và một số dự án thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Mặt khác, chỉ những doanh nghiệp có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng, doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 5 năm từ khi có doanh thu hoặc sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động và nhiều yêu cầu khác mới được xem xét ưu đãi thuế thêm không quá 15 năm.

Về thuế thu nhập cá nhân, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đánh giá ý kiến giảm 70% trong 5 năm đầu và giảm 50% các năm tiếp theo với các đối tượng làm việc tại khu kinh tế trong đề án là "chưa phù hợp".

Đại diện ngành tài chính cho rằng, việc giảm thuế chỉ áp dụng với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh hiểm nghèo và ảnh hưởng tới khả năng nộp thuế.

Đánh giá tương tự cũng được đại diện Bộ Tài chính đưa ra với ý kiến miễn thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ôtô, sản phẩm phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp hoàn chỉnh khi mua các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Những sản phẩm này như que hàn, bu lông, ốc vít, vòng bi,... hiện đang áp thuế giá trị gia tăng là 10% và quy định này thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Ngoài ưu đãi thuế, những nội dung ưu đãi về hải quan cũng được Bộ Tài chính đánh giá là chưa phù hợp. 

Theo đề án, giai đoạn thông quan, doanh nghiệp trong khu kinh tế sẽ được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, không phải đăng ký với cơ quan hải quan định mức tiêu hao nguyên vật liệu, không phải nộp báo cáo thanh khoản với cơ quan chức năng. 

Tuy vậy, theo đại diện ngành tài chính, việc kiểm tra hồ sơ, hàng hóa hiện đang thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Việc miễn kiểm tra trên chỉ áp dụng với doanh nghiệp ưu tiên được Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận.

Hết thời khu kinh tế, khu công nghiệp được 'nuông chiều'

Việc Bộ Tài chính lắc đầu với những ưu đãi thuế dành cho khu kinh tế Chu Lai một lần nữa cho thấy dấu hiệu đã qua thời các khu kinh tế được "nuông chiều". Theo báo cáo đánh giá công tác xây dựng và quản lý quy hoạch của Bộ Xây dựng mới đây, trên cả nước hình thành quá nhiều khu kinh tế dẫn đến đầu tư dàn trải, nguồn vốn đầu tư thiếu, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng đầu tư thiếu đồng bộ.

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 44 khu kinh tế nằm ở ven biển và cửa khẩu. Quy mô các khu kinh tế này rất lớn, từ trên 10.000 ha đến hàng trăm hecta. Việc đầu tư xây dựng chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp, dịch vụ, hành chính, khu vực cửa khẩu (hải quan, kiểm dịch, chợ đường biên…) chỉ chiếm 5%-10% diện tích khu kinh tế. Điều này dẫn đến việc sử dụng đất lãng phí, không hiệu quả. Tính chất, chức năng các khu kinh tế ven biển đều giống nhau: Công nghiệp, dịch vụ cảng biển; đối với khu kinh tế cửa khẩu là thương mại, dịch vụ cửa khẩu. Điều này dẫn đến khó thu hút đầu tư.

Các khu công nghiệp của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo báo cáo kết quả rà soát tình hình hoạt động của các khu công nghiệp trên cả nước trong năm 2014 vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra, tính đến hết năm 2014, cả nước có 295 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 84 nghìn ha, tuy nhiên hàng loạt khu công nghiệp nằm trong diện "có vấn đề".

Tại cuộc họp về xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày 19/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 65% diện tích nên cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương tập trung thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để báo cáo Chính phủ. 

“Tinh thần là kiên quyết cắt giảm những diện tích, loại bỏ các khu công nghiệp không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Minh Thái
Đất Việt

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”