Heo quay 400.000 đồng/kg, cá nướng 250.000 đồng/con cúng Thần Tài đắt khách
(Dân trí) - Heo quay, cá lóc nướng và nhiều món lễ vật thông dụng khác trên mâm cúng Thần Tài được người dân đổ đi mua từ sáng sớm.
Ngay từ sáng sớm ngày vía Thần Tài (10 tháng Giêng), người dân đã nhộn nhịp ra, vào trước 2 cửa hàng heo quay tại khu cầu Bông, quận 1, TPHCM. Heo quay là một trong những món đồ cúng được người dân ưa chuộng trên mâm cúng Thần Tài.
Ông Sơn, chủ một cửa hàng heo quay tại cầu Bông, nói tiệm đã chuẩn bị lượng lớn thịt thành phẩm để cung cấp trong dịp này. Giá sản phẩm vẫn tương đối ổn định so với ngày thường, heo miếng quay (ba rọi hoặc đùi) được bán 400.000 đồng/kg, heo quay nguyên con tùy cân nặng sẽ có giá tương ứng.
Ngay từ sáng sớm, nhiều khách hàng đã tới mua nhưng ông Sơn nhận định lượng khách không bằng năm ngoái, giảm khoảng 20%, nguyên nhân được cho rằng kinh tế khó khăn, chi tiêu của người dân eo hẹp hơn.
Heo quay nguyên con khoảng 2,5kg được cửa hàng này bán ra có giá 1,9 triệu đồng, heo 3,5kg có giá 2,1 triệu đồng còn heo trên 4,5kg có giá từ 430.000 đồng/kg. Ông Đạt nói vài chục con heo quay đã được đặt hàng và bán ra nhưng các loại heo sữa nhỏ được ưa chuộng hơn.
Giá heo quay miếng khoảng 200.000-300.000 đồng/kg cũng được bán tại nhiều chợ nhỏ lẻ. Bà Hồng, chủ một lò mổ heo ở chợ Đo Đạc (TP Thủ Đức) ngày thường không bán heo quay nhưng từ mùng 8 Tết, bà đã treo biển để thông báo cho khách có mặt hàng này.
Mỗi ngày, bà quay sớm khoảng 10kg thịt để khách biết có hàng và có thể đặt mua sớm. Bà đã nhận đơn đặt hàng sớm khoảng 20kg trước ngày Thần Tài, hôm nay (đúng ngày thờ cúng), lò mổ chuẩn bị khoảng 50kg.
Nhiều sạp heo quay tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cũng đông khách từ sáng sớm. Giá heo quay ba rọi từ 250.000 đồng/kg, từ 200.000 đồng/kg với thịt đùi.
Bà Liên, chủ một sạp hàng, tay thoăn thoắt chặt thịt cho khách đang đứng xếp hàng chờ, nói đã bán từ hôm qua với vài trăm kg thịt chín. Hôm nay, bà chuẩn bị hơn 1 tạ hàng và đã bán gần hết, dù lúc đó mới chỉ 6h sáng.
Bà Liên nói đã bán từ hôm qua với vài trăm kg thịt chín, hôm nay cô chuẩn bị hơn 1 tạ hàng và đã bán gần hết. Còn tại đường Phan Văn Trị, phường 7, quận 5, TPHCM, giá heo quay năm nay dao động từ 380.000-400.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Toàn, nhân viên quán vịt quay, cho biết hôm nay quán đã bắt đầu chuẩn bị từ 4h sáng với 2500 con vịt được chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài.
Cùng với heo quay, cá lóc cũng là một món lễ vật được ưa chuộng trên mâm cúng Thần Tài.
Tại các chợ truyền thống, cá lóc nguyên con (còn sống) có giá dao động khoảng 80.000-100.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Nhiều người bán hàng cho biết giá ổn định so với ngày thường, vì cá lóc là món phổ biến và nguồn cung từ miền Tây khá dồi dào.
Phố cá lóc nướng ở Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) nhộn nhịp từ mấy ngày nay. Giá mỗi con dao động 200.000-250.000 đồng/con, bao gồm nước chấm, rau và bánh tráng được người dân ưa chuộng, xếp hàng mua từ sớm.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cá lóc nướng cũng được bày bán ở nhiều điểm nhỏ lẻ khác nhau. Giá khoảng 80.000-150.000 đồng/con với khối lượng từ 700gram tới 1,5kg.
Giá lóc nướng cúng đặc biệt ở chỗ không sơ chế, để nguyên vảy và ruột, không cắt đuôi và vây. Người nướng chỉ cần cắm một khúc mía vào miệng cá và giữ thân cá thẳng rồi nướng, không ướp gia vị.
Chị Cúc, chủ cửa hàng cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý, cho biết năm nay gia đình nhập hơn 3.500 con cá, nhiều hơn so với mọi năm. Giá bán dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng/con.
Chị Liên, bán hàng ở chợ Bà Chiểu, thì chỉ bán cá lóc nướng vào 2 ngày dịp cúng Thần Tài. Chị thấy dễ làm và cũng đông khách. Năm trước, một mùa cúng chị bán được khoảng 100 con, năm nay cũng chuẩn bị một số lượng tương tự với giá ngày thường, mong có thể hết hàng trước 12h trưa.
Ngoài cá lóc, heo quay, người dân còn có thể cúng tôm càng, cua càng hay các món ngọt như chè, xôi, bánh bao chay, bánh phát tài. Giá tôm càng ở một vài chợ dân sinh nhỏ lẻ được bán khoảng 500.000-700.000 đồng/kg, tăng khoảng 5-10% so với ngày thường. Xôi, chè hay bánh có giá "mềm", từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng tùy loại.
Tùy theo phong tục, tập quán từng vùng miền mà mâm cúng dâng Thần Tài ngày mùng 10 hằng năm sẽ khác nhau. Thế nhưng trong văn hóa người miền Nam sẽ luôn phải có cá lóc nướng mía, thịt heo quay…
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều chuyên gia phong thủy cho biết, miền Nam trước đây là vùng kênh rạch, sông ngòi chằng chịt giúp cá lóc có điều kiện sinh sống nhiều, trở thành một sản vật đặc trưng.
Chính điều này nên người dân muốn kính dâng cá lóc lên thần linh là để tỏ lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa và tưởng nhớ đến cuộc sống gian khổ nhưng cần cù thời trước của cha ông ta.
Đồng thời, cá lóc trong văn hóa còn biểu trưng cho sự nỗ lực và thành công vì sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn cao trong nhiều điều kiện khác nhau, thậm chí ở những vùng bùn lầy.
Ngoài ra, trong phong thủy, cá còn là biểu tượng để thu hút tài lộc, may mắn. Hình ảnh con cá còn đại diện cho mong ước có được cuộc sống trôi chảy thuận lợi như cá bơi trong nước.