Hé lộ lý do "ông trùm" xây dựng đặt mục tiêu lợi nhuận thấp kỷ lục

Việt Đức

(Dân trí) - Coteccons đặt kế hoạch doanh thu tăng 65% nhưng lợi nhuận dự kiến còn thấp hơn cả mức đáy của năm trước.

Phiên họp đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons tổ chức vào cuối tháng 4 (mã chứng khoán: CTD) dự kiến thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với 2021. Tuy nhiên, công ty này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước là 24 tỷ đồng. 

Mục tiêu lợi nhuận thấp kỷ lục của Coteccons khiến nhà đầu tư bất ngờ khi công ty trước đó công bố giá trị các hợp đồng trúng thầu trong năm 2021 lên tới 25.000 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng chia sẻ với nhà đầu tư công ty đang trở lại đường đua sau kết quả kém khả quan trong năm ngoái do khó khăn kép dịch bệnh và tác động tiêu cực từ mâu thuẫn thượng tầng giai đoạn trước.

Hé lộ lý do ông trùm xây dựng đặt mục tiêu lợi nhuận thấp kỷ lục - 1

(Biểu đồ: Việt Đức).

Trao đổi với Dân trí, đại diện Coteccons cho biết sở dĩ kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp do công ty xác định không lao vào cuộc chiến giảm giá với các nhà thầu khác trên thị trường cũng như áp dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng với các khoản phải thu khó đòi, ưu tiên chiến lược phát triển bền vững. 

Giá vật liệu xây dựng vẫn đang tăng, cộng với những rủi ro bất ngờ trong năm 2021 khiến công ty đặt ra mục tiêu có phần thận trọng. Công ty cũng phải đầu tư nội bộ để việc nâng cao quy chuẩn, hướng đến các chuẩn mực quốc tế, tối ưu hóa bộ máy, giữ chân nhân tài.

Trong báo cáo gửi cổ đông, HĐQT Coteccons đánh giá năm 2022 ngành xây dựng đối diện với một số thách thức chính gồm lạm phát tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập người mua nhà hay chủ trương nắn dòng tín dụng vào bất động sản có thể tác động đến những chủ đầu tư có dòng tiền kém. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng các công ty xây dựng do sự phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng đồng thời có nhiều triển vọng khi được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công của Chính phủ, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách phục hồi kinh tế. Thị trường bất động sản cũng có thể ấm lên khi các vấn đề ách tắc về pháp lý được tháo gỡ giúp nguồn cung sản phẩm bất động sản ra thị trường tăng sau khi đã chạm đáy trong năm ngoái.