Hé lộ danh tính loạt doanh nghiệp bị Kiểm toán chuyển Bộ Công an điều tra

(Dân trí) - Báo cáo gửi Quốc hội, cơ quan kiểm toán đã khui nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, quản lý sử dụng đất, trốn thuế, tham nhũng. Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong tuần.

Kiểm toán Nhà nước "khui" 5 vụ án lớn, chuyển sang Bộ Công an điều tra

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước - khẳng định: Cơ quan kiểm toán đã khui nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, quản lý sử dụng đất, trốn thuế, tham nhũng.

Hé lộ danh tính loạt doanh nghiệp bị Kiểm toán chuyển Bộ Công an điều tra - 1

Kiểm toán Nhà nước khui hàng loạt vụ án sai phạm hậu kiểm toán, trong đó có vụ Nhôm Toàn Cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Cơ quan này đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
 

Cụ thể: Chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế TNCN của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2 vụ việc).

Đặc biệt, chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao Su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (2 vụ việc).

Phanh phui hàng loạt sai phạm của "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước 

Vẫn là nội dung báo cáo gửi Quốc hội của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này cho biết: Trong quá trình kiểm toán các doanh nghiệp, tổng công ty, có một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp.

Cụ thể như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư -CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.

Đáng nói, một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, điển hình nợ khó đòi tại Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) 214,4 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP 643,3 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 17,4 tỷ đồng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chưa bảo toàn được vốn thuộc diện phải giám sát đặc biệt diễn ra ở Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), như tại Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Ngọc Minh, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý BĐS UDIC, Công ty cổ phần UDIC Kim Bình, Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng và XNK Hồng Hà, Công ty cổ phần Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt.

47 dự án đầu tư ra nước ngoài của các "ông lớn" Nhà nước lỗ hơn 1 tỷ USD

Trong báo của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang gặp khó khăn, nhiều dự án đã bị thua lỗ.

Có 53 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận 565 triệu USD, tăng 39 triệu USD và bằng 107,42% so với năm 2018; 33 dự án bị lỗ với số lỗ là 156 triệu USD giảm 201 triệu USD và bằng 43,74% so với năm 2018. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 206,3 triệu USD, giảm 25,04 triệu USD và bằng 89,18% so với năm 2018. 

Tuy nhiên, vẫn còn 47 dự án bị lỗ lũy kế với số lỗ 1 tỷ USD. Ngoài ra, còn một số dự án chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả đầu tư của các dự án này.

Nợ khó đòi 10.500 tỷ đồng của Vinachem liên quan đến Ngân hàng Trung Quốc

Tại một báo cáo khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày, ông Đinh Tiến Dũng đã nêu một số thông tin đáng chú ý về các khoản nợ phải thu khó đòi của các doanh nghiệp Nhà nước khá lớn.

Đáng chú ý, nợ phải thu khó đòi theo báo cáo của công ty mẹ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang là 10.566 tỷ đồng do Vinachem trả nợ khoản vay nước ngoài của Dự án Đạm Ninh Bình cho khoản vay của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Tuy nhiên, không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn, hiện Vinachem đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 2.233 tỷ đồng. 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 360.982 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 18.251 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2018, chiếm 5% tổng số nợ phải thu.

Một số công ty mẹ có nợ phải thu khó đòi lớn như Tổng Công ty Miền Nam nợ phải thu khó đòi hơn 1.300 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có nợ phải thu khó đòi 1.151 tỷ đồng; Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam nợ phải thu khó đòi 1.139 tỷ đồng...

Những thông tin bất ngờ về chủ đầu tư của Thủy điện Rào Trăng 3

Ngoài các thông tin liên quan đến báo cáo của các cơ quan thuộc Chính phủ với đại biểu Quốc hội, tuần qua, độc giả cũng dành sự chú ý lớn đến vấn đề lũ lụt ở miền Trung, nhất là liên quan tới công trình Thủy điện Rào Trăng 3 .

Hé lộ danh tính loạt doanh nghiệp bị Kiểm toán chuyển Bộ Công an điều tra - 2

Hình ảnh về Thuỷ điện Rào Trăng 3 qua Google Maps

Thông tin cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 có địa chỉ tại Số 43 đường số 06 Khu đô thị An Cựu, Phường An Đông, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.

Điều đặc biệt là công ty này thành lập ngày 6/4/2011 có Giám đốc là ông Nguyễn Đại Thành - sinh năm 1992. Ông Thành đảm nhiệm chức vụ là người đại diện theo pháp luật của công ty này từ tháng 8/2015. Trước đó, vai trò này thuộc do ông Nguyễn Đại Lợi (SN 1965) - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty kiêm nhiệm.

Đầu tháng 1/2019, Thuỷ điện Rào Trăng 3 được tăng vốn từ 90 tỷ đồng lên 122,61 tỷ đồng.

Hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Thuỷ điện Rào Trăng 3 tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 122,61 tỷ đồng lên 148,82 tỷ đồng.

Đáng nói, từ nhiều năm trước, các chuyên gia đã nêu ra cảnh báo về rủi ro sụt lở ở Rào Trăng, đề nghị tăng cường trồng rừng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa…

Bộ Công Thương: Các hồ thủy điện đang vận hành đều an toàn

Nói về vận hành các hồ thuỷ điện , ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương - cho hay: Đối với việc thực hiện Nghị định 114 về đảm bảo an toàn hồ chứa, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương trên địa bàn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành.

“Qua báo cáo, tính đến thời điểm này các hồ thủy điện đang vận hành trong phạm vi cả nước đều đảm bảo an toàn theo quy định” - ông Bảo khẳng định.

Ông Bảo cũng cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thủy điện có chức năng tham gia hoạt động điều tiết lũ. Tuy nhiên, đối với các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về sẽ tràn qua đập về phía hạ du. Đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ sẽ phải điều tiết lượng nước duy trì để đảm bảo phòng lũ.