HDBank đã "chạm một tay" vào DaiABank

(Dân trí) - Các văn kiện quan trọng dọn đường cho ngân hàng sáp nhập giữa DaiABank và HDBank bao gồm đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập, điều lệ mới đã được đại hội đồng cổ đông DaiABank thông qua. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1 được đánh giá có lợi cho cổ đông DaiABank.

Đại hội cổ đông bất thường DaiABank tổ chức sáng 25/9.
Đại hội cổ đông bất thường DaiABank tổ chức sáng 25/9.

Theo đúng lịch trình, sáng nay (25/9/2013), Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) đã tổ chức triệu tập Đại hội đồng cổ đông bàn về vấn đề sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).

Theo đó, cổ đông DaiABank đã thông qua các văn kiện quan trọng cho nội dung sáp nhập bao gồm đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập, điều lệ mới.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 15/6/2013, 100% cổ đông DaiABank đã thông qua phương án hợp nhất, sáp nhập vào HDBank.

Trong thông cáo vừa phát ra của ngân hàng, DaiABank đánh giá, “tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1 mang lại giá trị tốt hơn cho cổ đông DaiABank và tăng khả năng thanh khoản cho cổ phiếu DaiABank”.

Mặc dù, nếu việc sáp nhập thành công để về cùng một nhà với HDBank thì DaiABank sẽ phải chịu mất thương hiệu. Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả nhân viên của DaiABank vẫn sẽ được giữ nguyên vị trí công tác và chế độ. Nếu tại HDBank có những chế độ tốt hơn cho người lao động thì sẽ ưu tiên áp dụng thêm cho cán bộ nhân viên DaiABank.

Sắp tới, vào ngày 28/9, phía HDBank cũng triệu tập đại hội cổ đông bất thường họp bàn và thông qua các nội dung tương tự. Việc sáp nhập nhằm tạo ra một định chế tài chính vững mạnh hơn, mang lại lợi ích cho cả hai ngân hàng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì hợp nhất, sáp nhập (M&A) vẫn là phương án tối ưu, nhanh chóng và tốn kém ít chi phí nhất.

Với phương thức M&A, số lượng các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng sẽ giảm, đồng thời giải quyết được những vấn đề mà các ngân hàng yếu kém đang gặp phải, đặc biệt là thanh khoản và quản trị.

Mai Chi