Vì sao cổ đông DaiABank "gật đầu" chủ trương sáp nhập với HDBank?
(Dân trí) - Chủ trương sáp nhập với HDBank chính thức được cổ đông DaiABank biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%, cho thấy thương vụ sáp nhập tự nguyện đầu tiên của các ngân hàng Việt Nam đã tiến rất gần tới hiện thực.
Đúng như dự báo, kỳ ĐHĐCĐ lần hai đã diễn ra khá căng thẳng, bởi có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược và con người của ngân hàng này.
Vấn đề nhân sự khá suôn sẻ, khi các cổ đông đã bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, nâng tổng số thành viên HĐQT lên con số 7. Trong 4 thành viên mới, có 2 thành viên từ HDBank là ông Nguyễn Minh Đức (Phó Tổng Giám đốc) và bà Nguyễn Thị Vân (Phó Giám đốc Tài chính). Hai thành viên còn lại là ông Chu Việt Cường và Ông Đinh Việt Phương, đều là người của Sovico - cổ đông đang tham gia điều hành HDBank.
Nhưng nội dung tái cơ cấu DaiABank thì không dễ dàng, buộc đại hội kéo dài tới gần 18h ngày 15/6 mới "chốt" được phương án tái cơ cấu cụ thể, trong đó khẳng định việc thông qua thỏa thuận ghi nhớ nguyên tắc giữa HDBank và DaiABank ký giữa HĐQT hai ngân hàng hồi tháng 10 năm ngoái về chủ trương tái cơ cấu DaiABank.
Tờ trình ban đầu về Đề án tái cơ cấu được đưa ra với 2 phương án, là hợp tác với "một ngân hàng khác" và tự tái cơ cấu - tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2015 thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Sau khi các phương án này được HĐQT DaiABank báo cáo trước đại hội, ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai nhắc lại một lần nữa về chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của NHNN, cũng như lộ trình thoái vốn của khối DNNN khỏi các ngân hàng, điều mà ông cho rằng sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động của DaiABank.
Đến lượt mình, cổ đông lớn HDBank đã công bố thỏa thuận hợp tác ngày 9/10/2012 giữa HDBank và DaiABank. Theo đó, HĐQT hai bên đã ký thỏa thuận ghi nhớ về chủ trương hợp nhất, sáp nhập hai ngân hàng. Thỏa thuận này cũng đã được NHNN thông qua về chủ trương. Trong đó, hai nội dung quan trọng nhất là tỷ lệ hoán đổi sau hợp nhất là 1:1 và sử dụng toàn bộ người lao động có hợp đồng của hai bên cho ngân hàng sau khi sáp nhập.
Chính vì vậy, các cổ đông tham gia Đại hội đề nghị biểu quyết thông qua thỏa thuận hợp tác về chủ trương sáp nhập này, và ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan để triển khai việc sáp nhập.
Mặc dù nhóm cổ đông lớn đại diện cho cổ phần của Công ty Tín Nghĩa và Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng chủ trương của tỉnh là "khi chưa thoái vốn thì chưa sáp nhập, hợp nhất", nhưng nhiều cổ đông, trong đó có các cổ đông nhỏ, đã thẳng thắn bày tỏ lo ngại rằng nếu không kịp thời có giải pháp cụ thể thì những kết quả chưa tích cực của năm 2012 sẽ kéo dài trong năm nay, vốn được dự báo là cực kỳ khó khăn với nền kinh tế nói chung.
Các cổ đông cũng e ngại rằng phương án tự tái cấu trúc là quá lạc quan và việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài vào năm 2015 là không dễ khả thi. Ngoài ra, các cổ đông cho rằng chủ trương sáp nhập với tỷ lệ 1:1 là điều kiện thuận lợi để việc tái cơ cấu DaiABank thuận lợi hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi bền vững của các cổ đông DaiABank.
Sau nhiều ý kiến tranh luận, đến gần 18h chiều đại hội đã quyết định biểu quyết thông qua thỏa thuận về chủ trương hợp nhất giữa HDBank và DaiABank, thay vì biểu quyết về đề án tái cơ cấu gồm hai phương án như trên theo tờ trình của HĐQT trước đại hội.
Kết quả, 100% cổ đông biểu quyết thông qua nội dung thỏa thuận sáp nhập DaiABank vào HDBank theo công văn chấp thuận chủ trương của NHNN vào tháng 10/2012, giao HĐQT tiến hành các thủ tục theo đúng các quy định pháp luật và điều lệ của DaiABank. Điều này được ghi trong biên bản và nghị quyết, đọc tại đại hội.
Hiện DaiABank có vốn điều lệ là 3.100 tỷ đồng, theo báo cáo kết quả kinh doanh đưa ra tại đại hội, tính đến hết năm 2012 vừa qua, tổng tài sản ngân hàng này đạt 17.910 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 246 tỷ đồng, tương ứng 40% kế hoạch, nợ xấu ở mức 5,28%. |
Hoành San